Hải quan nỗ lực lành mạnh thị trường hàng hóa

Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ mạnh dịp Tết, hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại đang được các đối tượng ráo riết đưa vào thị trường.
Tết Nguyên đán Canh Dần đã cận kề, trong khi các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hộ buôn bán đang tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa thì lợi dụng nhu cầu tăng mạnh dịp Tết so với thời điểm thông thường, hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại cũng đang được các đối tượng ráo riết đưa vào thị trường.

Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh này tiếp tục gây bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thóai kinh tế.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đã thừa nhận, vấn đề đáng lo ngại của các doanh nghiệp trong nước hiện nay chính là đối phó với hàng lậu từ Trung Quốc và hàng nhái.

Tổng Cục Hải quan cho biết, do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, thị trường trong nước chịu sức ép lớn từ hàng hóa tồn đọng ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhập khẩu vào nên tình hình hoạt động buôn lậu càng phức tạp hơn.

Tính đến 15/12/2009, lực lượng toàn ngành đã phát hiện bắt giữ được 13.108 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa ước tính hơn 481 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Trước thực trạng buôn lậu gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán, để góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa, ngành Hải quan đang cùng các ngành liên quan và chính quyền địa phương nỗ lực tăng cường các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn hàng hóa trái phép xâm nhập vào Việt Nam. Đến thời điểm này, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã lập kế hoạch cao điểm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Khu vực biên giới Tây Nam, các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là đường cát Thái Lan, thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại di động... Vàng, ngoại tệ, tiền Việt Nam,... được xuất lậu sang Campuchia bằng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Tuyến biên giới thuộc tỉnh An Giang luôn là địa bàn hoạt động phức tạp của các đối tượng buôn lậu.

Ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang cho biết, nắm bắt được động thái các đối tượng đang ráo riết gom hàng tiêu thụ dịp Tết từ bên ngoài biên giới đưa vào nội địa, Cục đã tăng cường lực lượng kiểm tra tại các điểm nóng như khu vực xã Vĩnh Ngươn thị xã Châu Đốc giáp Gò Tà Mâu (Campuchia); khu vực thị trấn Tịnh Biên (xã An Phú và xã An Nông huyện Tịnh Biên); khu vực Vạt Lài (xã Khánh Bình, xã Khánh An huyện An Phú).

Theo Cục Hải quan Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước với số vụ vi phạm được phát hiện giảm 37,4 % về số vụ và giảm 9,4% về trị giá. Tuy nhiên thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động này có dấu hiệu tăng trở lại.

Tại khu vực dọc sông Sê Pôn và dọc theo hai bên cánh gà cửa khẩu Lao Bảo, các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng từ Lào vào Việt Nam bằng thuyền máy, chạy dọc theo sông, chờ cơ hội thuận tiện là chuyển hàng lên bờ để nhập lậu vào Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Mặt hàng chủ yếu là thuốc lá ngoại, rượu, bia, nước giải khát, đường kết tinh và các mặt hàng tiêu dùng khác của Thái Lan và Malaysia sản xuất.

Đặc biệt trên tuyến tiếp giáp giữa Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với nội địa, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu vào nội địa diễn biến khá phức tạp thông qua các hình thức gùi cõng hàng nhập lậu qua các trạm kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 9, hoặc chuyển vào nội địa theo các tuyến đường mới mở.

Đáng chú ý, sau khi Bộ Tài chính ban hành danh mục hàng hóa từ nội địa đưa vào Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo vào đầu năm 2009 phải kiểm tra trước khi hoàn thuế giá trị gia tăng đã xuất hiện hành vi gian lận thương mại trong việc khai khống, khai không đúng thực tế hàng hóa xuất khẩu từ nội địa vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để hưởng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng; đồng thời nhập lậu hàng Việt Nam sản xuất vào nội địa.

Đặc biệt hoạt động này có sự móc nối giữa doanh nghiệp trong và ngoài Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để tìm cách vận chuyển trái phép hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo vào nội địa.

Sau một thời gian hoạt động, một số doanh nghiệp Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo đã thay đổi tên để tiếp tục hưởng chính sách ưu đãi. Nắm bắt được hành vi này, Cục Hải quan Quảng Trị chú trọng công tác thu thập thông tin doanh nghiệp, đồng thời giám sát chặt chẽ ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ.

Đối với tuyến biên giới tỉnh Quảng Ninh, cứ vào dịp trước, trong sau tết Nguyên đán, buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng mạnh trên cả tuyến đường bộ và biển với các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, thuốc lá, rượu ngoại, đồ điện tử, điện lạnh, bánh kẹo, vải may mặc, gạo, gia súc gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm,...

Vì vậy, nhằm tăng cường chống buôn lậu dịp Tết, ông Phạm Trung Vịnh, Cục phó Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, Cục đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị. Trong đó, Đội kiểm soát hải quan số 1 chịu trách nhiệm chính trong chống buôn lậu-gian lận thương mại trên tuyến đường bộ.

Đội kiểm soát hải quan số 2 chịu trách nhiệm trên tuyến đường biển với các mặt hàng than, quặng, xăng dầu; các chi cục hải quan cửa khẩu có nhiệm vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm khi làm thủ tục những lô hàng nhạy cảm mà doanh nghiệp có thể lợi dụng để nhập khẩu trái phép các loại hàng cấm, hàng quản lý chuyên ngành, hàng có thuế suất cao...

Hiện tại, Ban 127 Trung ương gồm các đơn vị thành viên hải quan, công an, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng,... đang tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại 3 khu vực biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam và miền Trung nhằm chỉ đạo các địa phương siết chặt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa phương góp phần làm lành mạnh thị trường hàng hóa trong nước, bảo vệ người tiêu dùng./.

Thu Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục