“Hạ lãi suất huy động, cơ bản thêm 1% để cứu DN”

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), hiện đã có đầy đủ cơ sở để có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1 điểm % so với lãi suất quy định hiện nay. Ủy ban này cũng cho rằng cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng: Lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn. Nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp khi các kênh đầu cơ như vàng, bất động sản, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), hiện đã có đầy đủ cơ sở để có thể mạnh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1 điểm % so với lãi suất quy định hiện nay.

Việt Nam đã thoát khỏi vùng đáy

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô 11 tháng vừa công bố ngày hôm nay (4/12) của Ủy ban Giám sát cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi vùng đáy để vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, nhưng đà hồi phục chưa rõ ràng.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là, dù đang trong thời điểm cuối năm nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khá thận trọng, điều này khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại.

Những dấu hiệu trên cho thấy tổng cầu của nền kinh tế dù đã được cải thiện nhưng chưa có những động lực để bật lên mạnh mẽ. Phân tích nguyên nhân cụ thể có thể thấy, cùng với chính sách thắt chặt chi tiêu đầu tư công, sự tắc nghẽn của nguồn vốn tín dụng ngân hàng là những nguyên nhân chính khiến cầu đầu tư suy giảm khá mạnh.

Đối với tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, cơ quan này đã đánh giá doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11 đang tiếp tục tăng so với 9 tháng đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cho đến thời điểm gần cuối năm 2012, doanh nghiệp Việt Nam ở đại đa số các ngành nghề vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt là ở 2 khâu chủ yếu là “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.

Việc phải chịu mức lãi suất cao (trên 15%/năm) trong một thời gian kéo dài tới nay đã trên 30 tháng làm khó khăn của doanh nghiệp tăng thêm. Chi phí lãi vay cao dẫn đến chi phí tài chính cao làm lợi nhuận suy giảm, gây cản trở quá trình phục hồi của doanh nghiệp. Đây cũng là hai chi phí tác động tiêu cực mạnh nhất tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp so với các chi phí khác.

Theo khảo sát khu vực doanh nghiệp do Ủy ban thực hiện, chỉ tính đến thời điểm kết thúc quý I/2012, chi phí tài chính của doanh nghiệp đã tăng gần 25% so với cuối năm trước. Điều này đã làm cho tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành sản phẩm tăng lên mức khoảng 7%, so với mức 4,72% và 5,56% của năm 2010 và 2011.

Hạ lãi suất để cứu doanh nghiệp

Theo Ủy ban Giám sát, để vượt qua tình hình hiện nay, Chính phủ cần sớm đưa ra những giải pháp cụ thể đi thẳng vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Chính phủ nên manh dạn hạ lãi suất huy động và lãi suất cơ bản khoảng 1 điểm % so với lãi suất quy định hiện nay. Bên cạnh đó cần khống chế trần lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không vượt quá 150% lãi suất cơ bản theo luật định, nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp," Ủy ban này kiến nghị.

Ủy ban này cũng cho rằng cơ sở để giảm lãi suất đã khá rõ ràng: Lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm; lạm phát đang được kiểm soát chặt chẽ và có thể giảm dưới mức 8%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và lạm phát gần như không còn. Nguy cơ tiền gửi được rút khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác là rất thấp khi các kênh đầu cơ như vàng, bất động sản, chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng sinh lời, thậm chí lỗ vốn.

Mặt khác, thực tế cho thấy dù lãi suất ngân hàng đã giảm 5% kể từ đầu năm nhưng tổng số dư tiền gửi tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng đều mỗi tháng và hiện có mức tăng khoảng 15% so với đầu năm. Điều này chỉ ra rằng việc gửi tiền tại ngân hàng đang là sự lựa chọn ưu tiên của người dân so với các kênh đầu tư khác và cũng cho thấy lòng tin của thị trường vào đồng Việt Nam đang tăng lên đáng kể.

Một lý do nữa được Ủy ban đưa ra thuyết phục cho kiến nghị nên giảm lãi suất thời điểm hiện nay là dự trữ ngoại hối khá dồi dào. Hơn nữa tình trạng đô la hóa đã giảm đáng kể do tỷ giá được duy trì ổn định trong một thời gian khá dài. Việc nắm giữ ngoại tệ không còn là công cụ kiếm lời ưu tiên của dân cư, do đó việc hạ lãi suất VND sẽ không có tác động đến sự chuyển dịch tài sản sang USD.

Theo tính toán của cơ quan này, lãi suất của Việt Nam hiện đang cao hơn rất nhiều (từ 2-3 lần) so với các nước trong khu vực, do đó nếu giả sử các yếu tố khác không đổi thì giá thành của Việt Nam đang cao hơn so với Ấn Độ 2%, Thái Lan 2,51%, Trung Quốc là 2,6% và Singapore là 2,8%.

Nhằm góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, thúc đẩy tổng cầu năm 2013, Ủy ban Giám sát kiến nghị, Chính phủ có thể đẩy mạnh bảo lãnh vay tín dụng ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh cho chủ đầu tư những dự án BOT hiện đang rất cần vốn để hoàn thành.

Chính phủ cần sớm thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu công trình cho năm 2013 nhằm chủ động kiểm soát lượng vốn đầu tư của nền kinh tế trong trường hợp tăng trưởng tín dụng năm 2013 tiếp tục đạt mức thấp như năm 2012 nhằm đảm bảo mức tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013 vẫn sẽ được duy trì ở mức tương đương 30% GDP như mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, Ủy ban này cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tạo dựng niềm tin: "Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể thực sự hồi phục tăng trưởng mạnh mẽ khi niềm tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với vấn đề kiểm soát lạm phát và xử lý nợ xấu được giải quyết," báo cáo chỉ ra.

Vì vậy, ngoài việc kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, coi đó là một trong những khâu đột phá trong công cuộc cải cách nền kinh tế.

Bên cạnh đó, chính phủ cần đưa ra những thông điệp rõ ràng, được tuyên truyền rộng rãi và dễ hiểu đối với người dân về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, nhằm thể hiện rõ quyết tâm của chính phủ trong việc cải cách hệ thống tài chính Việt Nam./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục