Lại đồng loạt giảm

Thị trường chứng khoán châu Á lại đồng loạt giảm

Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 21/11, khi sự thay đổi chính phủ ở đất nước Tây Ban Nha ngập trong nợ nần.
Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 21/11, khi sự thay đổi chính phủ ở đất nước Tây Ban Nha ngập trong nợ nần cũng như những cảnh báo của các quan chức châu Á về tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể làm lộ rõ những thách thức mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,7%, sau khi có tuần mất điểm mạnh nhất hai tháng vào tuần trước. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 191,14 điểm, hay 2,64%, xuống 7.042,64 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 265,38 điểm, hay 1,44%, xuống 18.225,85 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 19,14 điểm, hay 1,04%, xuống 1.820,03 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 14 điểm, hay 0,34%, xuống 4.163 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Tokyo giảm 26,64 điểm, hay 0,32%, xuống 8.348,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 1,43 điểm, hay 0,06%, xuống 2.415,13 điểm.

Thị trường trở nên hoảng hốt một ngày sau khi Tây Ban Nha thành lập chính phủ mới. Đây là lần thứ ba trong những tuần qua, khủng hoảng nợ ở châu Âu kéo đổ chính phủ ở một nước, sau khi điều này xảy ra ở Hy Lạp và Italy. Chính phủ mới ở Tây Ban Nha được kế thừa một "di sản" là một nền kinh tế kiệt quệ và tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng thấy (21,5%) trong số 17 nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone). Chính phủ của ông Mariano Rajoy sẽ phải hạ chi phí vay mượn bằng các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách, trong khi ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Các thị trường đang chờ đợi các chi tiết trong kế hoạch giải cứu Eurozone. Ủy ban châu Âu sẽ công bố các đề xuất luật pháp liên quan đến trái phiếu chung của Eurozone vào ngày 23/11 trong nỗ lực mới nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cuối tuần trước cảnh báo các vấn đề kinh tế của châu Âu có thể lan rộng, dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ vốn cũng đang phải đương đầu với những khó khăn riêng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cuối tuần trước nhận định các vấn đề hiện nay của kinh tế toàn cầu có thể sẽ kéo dài. Chính phủ Singapore ngày 21/11 thì cảnh báo tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm mạnh từ 5% trong năm nay xuống 1-3% trong năm tới, do xuất khẩu sụt giảm. Còn Nhật Bản lần đầu tiên chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu trong quý 3 vừa qua và bất ngờ bị thâm hụt thương mại trong tháng 10, do đồng yên yếu và kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. Cùng với khủng hoảng nợ công ở châu Âu, những điều này đang gây ra những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, trong khi chỉ số về các dấu hiệu kinh tế hàng đầu của Conference Board tăng cao hơn so với nhận định của các nhà phân tích trên phố Uôn - một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng tốc trong những tháng tới, nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng khi ủy ban lưỡng đảng của Quốc hội vẫn bế tắc về các giải pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. Ủy ban này sẽ phải đạt được một thỏa thuận trước ngày 23/11, nếu không việc cắt giảm chi tiêu 1.200 tỷ USD sẽ tự động được tiến hành kể từ năm 2013. Các nhà kinh tế lo ngại sự bế tắc này sẽ làm giảm niềm tin kinh doanh và làm chậm đà phục hồi còn yếu của kinh tế Mỹ.

Điều các nhà đầu tư quan tâm lúc này còn là kết quả các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, trong khi giữa hai bên có những tranh cãi gay gắt. Nội dung đàm phán là về chính sách tiền tệ của Trung Quốc và những hạn chế của nước này trong vấn đề tiếp cận thị trường. Hai nước đã ký các thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và trao đổi các sản phẩm công nghệ cao, song không công bố chi tiết./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục