Du lịch VN hướng tới mức 5,5 triệu khách quốc tế

Nhìn lại kết quả hoạt động tám tháng qua, ngành du lịch có cơ sở để chuẩn bị sự kiện đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2011.
Ba phần tư chặng đường của năm 2011 đã đi qua, nhìn lại kết quả hoạt động của du lịch trong tám tháng qua, ngành du lịch Việt Nam có đủ cơ sở để chuẩn bị cho sự kiện đón 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2011.

Du lịch đạt mức tăng trưởng nhanh

Theo báo cáo chính thức từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tám tháng năm 2011 đạt 3.963.000 lượt khách, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2010.

Tính riêng trong tháng Tám, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 490.000 lượt, tăng 14,5% so với tháng Tám năm 2010.

Theo tổng hợp từ cơ quan chức năng, lượng khách du lịch từ tất cả các thị trường đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2010. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tám tháng qua tăng, cao nhất là khách Campuchia với 74,2%; tiếp theo là Trung Quốc, tăng 53,5%; Malaysia 18,7%; Nhật Bản 11,7%; Singapore 10,6%... đồng thời, lượng khách du lịch nội địa trong tám tháng đã đạt đến con số 23 triệu lượt khách.

Báo cáo của Tổng cục Du lịch, cũng cho biết thu nhập từ du lịch đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, đạt trên 77% kế hoạch cả năm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Nguyễn Văn Tuấn, hoạt động du lịch của các địa phương và các doanh nghiệp là dấu ấn rõ nét nhất trong bức tranh du lịch thời gian qua. Đây là tác nhân quan trọng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong tám tháng qua, nhiều sự kiện liên quan đến du lịch đã được các địa phương chủ động tổ chức nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút khách. Có thể kể đến các sự kiện tiêu biểu như Tuần lễ Caraval tại Quảng Ninh; Thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng; Tuần lễ du lịch biển Khánh Hòa cùng hàng loạt các sự kiện được tổ chức vào mỗi tháng ở Thành phố Hồ Chí Minh… Đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên và các tỉnh liên quan.

Một thực tế cũng cần được ghi nhận trong việc đóng góp vào tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành du lịch là xu hướng liên kết phát triển du lịch theo vùng ngày càng được chú trọng và tăng cường.

Các địa phương tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch như phát triển cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ du lịch, phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ các thị trường khác nhau. Việc đầu tư phát triển các resort, khách sạn có quy mô lớn, chất lượng cao đang trở thành xu hướng chủ đạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giá trị gia tăng trong các hoạt động du lịch.

Với những hoạt động trên, các địa phương đã đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp hàng triệu lượt khách du lịch quốc tế và hàng chục triệu khách du lịch nội địa. Địa phương và doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút khách và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch khu vực và quốc tế; đó là đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đối với các hoạt động của địa phương và các doanh nghiệp làm du lịch thời gian qua.

Tính đến tháng Tám, cả nước có khoảng 12.000 cơ sở lưu trú du lịch với 240.000 buồng; trong đó, có 53 khách sạn 5 sao với 13.470 buồng, 118 khách sạn 4 sao với 14.479 buồng, 245 khách sạn 3 sao với 17.044 buồng. Hiện tại, cả nước có khoảng 981 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Còn những mảng tối trong hoạt động du lịch

Bên cạnh những gam màu sáng trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động du lịch tám tháng qua, cũng có những mảng tối - những tồn tại ảnh hưởng đến hình ảnh và chất lượng du lịch cần được khắc phục ngay vì sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam.

Đó là, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến dịch vụ vận chuyển khách du lịch; tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng trong kinh doanh lữ hành như phá giá tour, nâng giá khách sạn mỗi khi vào mùa du lịch cao điểm vẫn diễn ra ở một số địa phương (vụ khách sạn Thanh Thủy ở Nha Trang tăng giá phòng gấp 3,5 lần giá niêm yết…).

Còn đó, các vấn đề về môi trường trong hoạt động du lịch, tuy nói nhiều mà vẫn chưa ngăn chặn được hoặc chưa được giải quyết dứt điểm như việc xâm hại cảnh quan, tài nguyên môi trường du lịch; nạn chèo kéo, ép khách; nạn taxi dù lừa đảo ở sân bay…

Để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2011, thực hiện mục tiêu đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch tập trung ưu tiên cho một số nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thực hiện trong 4 tháng cuối năm là: Tổ chức tốt các hoạt động Năm Du lịch phú Yên; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE tại thành phố Hồ Chí Minh; chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch Duyên hải Bắc Trung Bộ Huế 2012; tham gia các Hội chợ Du lịch ở nước ngoài cũng như tổ chức phát động thị trường du lịch tại một số nước như Trung Quốc, Nga, Ukraine, Đan Mạch, Na Uy.

Ngành du lịch phối hợp cùng các bên liên quan tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh du lịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phát triển. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành, lưu trú du lịch có dấu hiệu bất ổn về chất lượng, giá cả; đẩy mạnh chất lượng sản phẩm du lịch Việt Nam …/.

Công Hải (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục