Việt Nam tích cực đóng góp cho hoạt động của IPU

Việt Nam luôn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho hoạt động của IPU, được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá cao.
Chiều 1/4, Kỳ họp lần thứ 122 Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) đã chính thức bế mạc tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) sau sáu ngày họp với chủ đề "Quốc hội - Trung tâm của hòa giải chính trị và quản trị tốt."

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam - nhấn mạnh hội nghị IPU là dịp để các nước thành viên cùng đánh giá lại những kết quả và thách thức trong nỗ lực giải quyết nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh, xung đột và chia rẽ dân tộc.

Chủ đề lần này đề cập tới vấn đề quản trị tốt như là một nhiệm vụ hàng đầu và cần thiết của các quốc gia, nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, công bằng và minh bạch. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy vai trò của nghị viện trong hòa giải chính trị.

Quốc hội Việt Nam chia sẻ quan điểm chung với các nước rằng cần phải phối hợp hành động nhằm loại trừ những nguyên nhân sâu xa gây ra các cuộc xung đột; đó chính là áp bức, đói nghèo, bất công, kỳ thị về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo.

Giới thiệu về nền hành chính công tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhờ có định hướng và đường lối đúng đắn trong quản lý của Chính phủ, nền hành chính công tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chỉ số quản trị quốc gia của Việt Nam từ năm 1998 đến 2009 đạt mức quản trị quốc gia tốt…

Việc tăng cường năng lực của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong thực thi các chức năng cơ bản của mình là một lĩnh vực chủ chốt trong tổng thể công cuộc cải cách quản trị quốc gia tại Việt Nam.

Tại kỳ họp, đoàn Quốc hội Việt Nam đã có các cuộc gặp với Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU, tiếp xúc song phương với các đoàn Lào, Campuchia, Belarus, Australia, New Zealand, Liên bang Nga và Thái Lan; tham dự các cuộc họp của Nhóm ASEAN+3 và Nhóm châu Á-Thái Bình Dương và tham gia báo cáo kinh nghiệm tại cuộc họp chuyên đề về viện trợ phát triển theo lời mời của IPU.

Trước ngày khai mạc chính thức 25/3, với vai trò là thành viên Ban Chấp hành đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong IPU, đoàn Việt Nam đã tham gia cuộc họp của Ban Chấp hành nhằm hoạch định những vấn đề quan trọng của IPU; đánh giá công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh những người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước lần thứ ba tại Geneva (Thụy Sĩ); những hoạt động của IPU trong hợp tác với Liên hợp quốc và củng cố vai trò của nghị viện trong nâng cao dân chủ, đổi mới tổ chức và hoạt động của IPU và Ban Thư ký IPU; và báo cáo về các hội nghị chuyên môn gần đây mà IPU tổ chức hoặc phối hợp tổ chức với nghị viện các nước thành viên.

Việc Việt Nam cử phái đoàn tham dự hội nghị IPU lần này tiếp tục khẳng định sự chủ động tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam tại diễn đàn; góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp xúc và trao đổi với nghị sỹ các nước về những vấn đề thiết thực của khu vực và thế giới.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Kể từ kỳ họp Đại hội đồng IPU lần thứ 117 tại Geneva, Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành IPU. Trên cương vị này, Việt Nam luôn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt động của IPU, được các nước trong khu vực nói riêng và trên thế giới đánh giá cao.

Những sáng kiến của đoàn Việt Nam trong các cuộc họp của Ban chấp hành cũng như tại khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương đã nhận được sự ủng hộ, nhất trí cao của các nước, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn liên nghị viện quốc tế.

Tại kỳ họp IPU lần này, các đại biểu thảo luận về vai trò của quốc hội trong hòa giải chính trị và quản trị tốt; trao đổi về hợp tác quốc tế trong chia sẻ trách nhiệm đấu tranh chống khủng bố, tội phạm có tổ chức, nhất là vấn nạn buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí và khủng bố xuyên quốc gia; vai trò của các cơ quan lập pháp trong việc phát triển hợp tác Nam-Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và sự tham gia của thanh niên trong tiến trình dân chủ.

Một số đoàn như Thái Lan, Cuba, Pháp, Anh, Uganda và Uruguay đề xuất vấn đề ủng hộ và đoàn kết với nhân dân Chile và Haiti sau thảm họa động đất vừa qua. Vấn đề xung đột Palestine-Israel và Iran cũng được hội nghị hết sức quan tâm.

Kỳ họp Đại hội đồng IPU năm nay có sự tham gia của gần 1.300 đại biểu đến từ 131/155 nước thành viên và các tổ chức quốc tế. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục