Các nước đang phát triển kêu gọi sớm cải tổ HĐBA

Các nước đang phát triển kêu gọi hành động nhanh và quyết định để cải tổ toàn diện nhưng thận trọng cơ cấu của Hội đồng Bảo an LHQ.
Kết thúc cuộc thảo luận về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65, các nước đang phát triển đã kêu gọi hành động nhanh và quyết định để cải tổ toàn diện nhưng thận trọng cơ cấu của cơ quan quyền lực này.

Các nước đang phát triển cho rằng Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 cần tận dụng động lực mới giành được sau khi 5 vòng thương lượng liên chính phủ đã xây dựng xong một văn bản tập hợp quan điểm của 192 nước thành viên Liên hợp quốc làm cơ sở cho các cuộc thảo luận về cải tổ Hội đồng Bảo an.

Những nước này nêu rõ Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 65 cần xúc tiến công việc dự thảo văn bản thương lượng mới với những giải pháp lựa chọn cải tổ cơ cấu Hội đồng Bảo an, trong đó cần khẳng định các cam kết tiến tới hạn chế quyền phủ quyết, đặc biệt đối với các tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại và vi phạm trắng trợn các quyền con người.

Nhiều nước cho rằng mặc dù ghi nhận tiến trình cải tổ Hội đồng Bảo an đã tiến triển kể từ khi tiến trình này được khởi động từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nhưng vấn đề cải tổ cơ quan này không thể được giải quyết tức thời, do đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc cần tạo điều kiện thích hợp để đạt được sự đồng thuận về các giải pháp cải tổ.

Giải pháp thỏa hiệp là mẫu số chung lớn nhất cho nguyện vọng của các quốc gia về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Các nước đang phát triển đề nghị một đường lối tạm thời để mở rộng Hội đồng Bảo an một cách hợp lý, theo đó các nước đang phát triển được quyền đại diện lớn hơn, tương xứng với vai trò của họ đóng góp cho thế giới về kinh tế, tài chính và gìn giữ hòa bình.

Theo hướng đó, Liên hợp quốc cần tạo ra một loại thành viên mới của Hội đồng Bảo an với nhiệm kỳ nhiều hơn nhiệm kỳ 2 năm giành cho các nước đang phát triển. Sau khi hết nhiệm kỳ đó, các nước có thể thảo luận và quyết định chuyển loại thành viên mới này thành thành viên thường trực.

Để tránh khả năng các quyết định của Hội đồng Bảo an bị thao túng bởi một số nước, các nước đang phát triển đề xuất giải pháp “Đoàn kết để đồng thuận,” theo đó cho phép các dàn xếp và lựa chọn khác nhau và có sự tham gia của đại diện các khu vực và các nước đang phát triển.

Công thức này cho phép bao gồm những xu hướng chính trị toàn cầu phức tạp phản ánh quan điểm của tất cả các nước cũng như các tổ chức khu vực đang nổi lên, đóng vai trò ngày càng quan trọng đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực và toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục