Xúc tiến thương mại và phát triển cacao bền vững

Hội nghị quốc tế về cacao VN với chủ đề “Xúc tiến thương mại, phát triển cacao bền vững tại Việt Nam," tổ chức ngày 13/12, ở Bến Tre.
Ngày 13/12, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị quốc tế về cacao Việt Nam với chủ đề “Xúc tiến thương mại và phát triển cacao bền vững tại Việt Nam."

Tham dự hội nghị ,về phía khách quốc tế có đại diện Đại sứ quán Hà Lan, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Grand Palace Vietnam và Cargill Vietnam, Tổ chức ACDI/VOCA của Mỹ, UTZ Certified Good Inside ở Việt Nam…

Theo báo cáo của Cục trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến cuối năm nay, cả nước có 20.100ha cacao, tăng bình quân 2.638 ha/năm, tính từ năm 2005 đến nay, trong đó Bến Tre là tỉnh có diện tích cacao nhiều nhất với hơn 9.000ha. Trong số trên 20.000ha cacao, diện tích cho trái chiếm 40% nhưng đa số diện tích thu hoạch chỉ mới ở năm thứ nhất đến năm thứ ba trong chu kỳ kinh doanh 20 năm, vì vậy năng suất bình quân còn thấp, khoảng 7,1 tạ/ha. Niên vụ 2010-2011, sản lượng cacao Việt Nam đạt 5.760 tấn hạt khô, tăng 165 lần, sau 6 năm (2005-2011 ).

Dù diện tích và sản lượng cacao chưa nhiều nhưng loại cây trồng này được nhiều tổ chức quốc tế ưu ái, hỗ trợ để phát triển bền vững như ACDI/VOCA, Helvetas của Thụy Sĩ , UTZ Certified... Hiện nay, Tổ chức Utz/Solidaridad đang hướng dẫn mô hình sản xuất cacao đạt chứng nhận UTZ cho 12 đơn vị tại các tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre.

Tổ chức Helvetas đang giúp hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang xây dựng mô hình sản xuất cacao hữu cơ. Điều đáng nói là cacao đạt chứng nhận UTZ hoặc sản xuất cacao hữu cơ đều được các Công ty nước ngoài tại Việt Nam thu mua với giá cao. Hiện đang có khá nhiều Công ty nước ngoài như ED & FMan của Anh, Cargill của Mỹ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Armajaro Vietnam, Mitsubishi của Nhật đặt trạm thu mua hạt cacao tại Việt Nam.

Ở Việt Nam hiện nay, ngoài Công ty Vietnamcacao, trước gọi là VINACACAO, chế biến cacao xuất khẩu, còn có Công ty Grand Palace Vietnam sử dụng nguyên liệu là hạt cacao Việt Nam để chế biến sôcôla xuất khẩu và xuất được vào thị trường Mỹ.

Ông Gricha Safarian, Tổng Giám đốc Công ty Grand Palace Vietnam, đánh giá rất cao cacao Việt Nam: “Nếu so sánh sôcôla Việt Nam, chế biến từ hạt cacao Việt Nam và sôcôla Châu Phí, chế biến từ hạt cacao của Ghana, thì sẽ thấy: hương cacao trong sôcôla Việt Nam là 3+, trong khi sôcôla Châu Phi là 4+; nhưng hương trái cây trong sôcôla Châu Phi chỉ 1+, trong khi của Việt Nam là 3+. Độ thoát hương của sôcôla Việt Nam là 2+, trong khi của Châu Phi là âm (-). Theo đánh giá từ các chuyên gia sôcôla, một thanh sôcôla ngon là thanh sôcôla có hương trái cây và độ thoát hương cao."

Ông Gricha Safarian nói: ”Việt Nam là quốc gia có tiềm năng trồng cacao mang lại chất lượng cao nhất, do đặc tính về thổ nhưỡng và giống cacao, hương trái cây và độ thoát hương cao là hai đặc tính nổi trội của sôcôla Việt Nam. Thị trường thế giới đang tìm kiếm những hạt cacao chất lượng với nguồn gốc mới. Grand Palace đang quảng bá dòng sản phẩm sôcôla cao cấp nguồn gốc Việt Nam ra thị trường trong nước, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Châu Âu."

Tuy nhiên, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất thận trọng với việc phát triển cacao. Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng cho biết Bộ không chủ trương phát triển cacao một cách ồ ạt mà định hướng phát triển theo chiều sâu chớ không theo chiều rộng, phát triển theo chất chứ không theo lượng, phát triển bền vững và hiệu quả.

Từ quan điểm chỉ đạo trên, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra chỉ tiêu diện tích cacao đến năm 2015 là 60.000ha; năm 2020 đạt 80.000ha.

Ngày14/12, các đại biểu tiếp tục thảo luận và đi tham quan vườn cacao trồng xen trong vườn dừa, cây ăn trái của một số hộ dân ở các xã An Khánh, An Phước, Phú Túc, huyện Châu Thành của tỉnh Bến Tre./.

Văn Trí (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục