Khai thông tiến trình phê chuẩn Hiệp ước Lisbon

Tại cuộc họp Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo đã loại bỏ được trở ngại lớn trong tiến trình thông qua hiệp ước Lisbon.
Kết thúc ngày họp đầu tiên (29/10) Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo của tổ chức này đã loại bỏ được trở ngại lớn trong tiến trình thông qua Hiệp ước Lisbon.

Tại cuộc họp, lãnh đạo EU nhất trí đưa vào văn bản Hiệp ước Lisbon phần phụ lục theo đề nghị của Tổng thống Séc Vaclav Klaus, theo đó những người Đức bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc cũ, mà Cộng hòa Séc là một bộ phận, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai không được quay trở lại Séc đòi tài sản.

"Chiến thuật" này, đã từng được lãnh đạo EU áp dụng với Anh và Ba Lan, nhằm đảm bảo ông Klaus ký phê chuẩn văn bản đã được cả hai viện Quốc hội Séc thông qua, trong trường hợp Tòa án Hiến pháp Séc khẳng định Hiệp ước Lisbon không đi ngược lại Hiến pháp của nước này, như trong đơn kiện của một nhóm nghị sĩ Séc gửi lên tòa.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Fredrik Reinfeldt, Thủ tướng Thụy Điển, nước chủ trì hội nghị trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU, khẳng định khả năng Hiệp ước Lisbon được tất cả 27 nước thành viên EU thông qua là rất cao, vì Séc là nước duy nhất trong EU chưa phê chuẩn hiệp ước này.

Trở ngại duy nhất còn tồn tại là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Séc về Hiệp ước Lisbon, dự kiến được công bố ngày 3/11 tới.

Thủ tướng Séc Jan Fisher ca ngợi quyết định trên của lãnh đạo EU là một "bước tiến", đồng thời khẳng định không có gì cản trở Séc nhanh chóng hoàn tất thủ tục thông qua Hiệp ước Lisbon "trước cuối năm nay", để Hiến pháp chung mới của EU có hiệu lực đúng thời hạn mong muốn này.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, hội nghị chưa đạt thỏa thuận về cách thức tài trợ cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU ở mức 20% vào năm 2020 so với năm 1990, và cách thức tài trợ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải và thích nghi với biến đổi khí hậu, do khí thải công nghiệp từ các nước phát triển gây ra.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso hối thúc lãnh đạo EU thống nhất lập trường về vấn đề này, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu ở Đan Mạch vào cuối năm nay, để EU xứng danh là nhóm đi đầu trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.

Một nguồn tin theo sát các hoạt động của Chủ tịch EU cho biết Thủ tướng Thụy Điển cùng một nhóm chuyên gia EU soạn thảo một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp để hội nghị tiếp tục thảo luận vấn đề này trong ngày họp thứ hai (30/10) và cũng là ngày họp cuối cùng của hội nghị.

Hội nghị cũng đã thảo luận về vai trò của Chủ tịch EU mới với nhiệm kỳ hai năm. Tuy nhiên, với sự phản đối bên lề hội nghị từ nhiều nước như Bỉ, Hungary, Luxembourg và Tây Ban Nha đối với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, ứng cử viên được coi là sáng giá vào chức Chủ tịch EU, Thủ tướng Thụy Điển Reinfeldt cho rằng chưa nên đề cập vấn đề lựa chọn người giữ chức vụ này cho đến khi tất cả các nước EU hoàn tất thủ tục thông qua Hiệp ước Lisbon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục