TP.HCM triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi

Thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Nghị định Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật.
Ngày 24/5, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai Luật Nuôi con nuôi năm 2010 và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.

Luật Nuôi con nuôi gồm 5 chương, 52 điều, được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010. Luật quy định giải quyết việc nuôi con nuôi cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc; chỉ cho làm con người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước; cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, bắt cóc, mua bán trẻ em; không được phân biệt đối xử giữa con nuôi với con đẻ; cấm lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; cấm các trường hợp ông, bà nhận cháu làm con nuôi, anh chị em nhận nhau làm con nuôi.

Luật cũng cấm lợi dụng việc nuôi con để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Người nhận con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở, có tư cách đạo đức tốt. Người nước ngoài đăng ký nuôi con nuôi của Việt Nam tại Cơ quan đại diện của nước Việt Nam ở nước ngoài; trong trường hợp công dân của nước ngoài không có Cơ quan đại diện của Việt Nam thì có thể nộp đơn đăng ký tại Cơ quan đại diện nào của Việt Nam mà họ thấy thuận tiện nhất.

Việc chấm dứt nuôi con nuôi được thực hiện trong các trường hợp: con nuôi đã thành niên, cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi; con nuôi bị kết án về các tội xâm phạm sức khỏe và danh dự của cha mẹ nuôi và ngược lại, vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật Nuôi con nuôi.

Theo bà Lê Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, việc nhận nuôi con nuôi đã giúp nhiều trẻ em mồ côi, lang thang có được mái ấm gia đình, phát triển và hoàn thiện nhân cách; mang đến hạnh phúc của không ít đôi vợ chồng không có khả năng sinh con. Tuy nhiên cũng xuất hiện những biến tướng của việc nhận nuôi con nuôi để trục lợi, đi ngược lại các giá trị đạo đức tốt đẹp của xã hội.

Khi chưa có Luật Nuôi con nuôi, có hiện tượng không cho đăng báo (trẻ lạc), xác minh nguồn gốc trẻ mồ côi, trẻ lang thang, nhưng lại tập trung trẻ vào các Trung tâm bảo trợ xã hội, không làm giấy khai sinh cho các bé; đến khi người muốn nhận nuôi con đến liên hệ thì lại phải quay lại làm các thủ tục theo trình tự ban đầu. Sự ra đời của Luật Nuôi con nuôi sẽ hạn chế, khắc phục được các vấn đề nói trên.

Thống kê của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho thấy, hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật và trẻ mồ côi (chiếm 7% dân số cả nước), trong đó có hơn 25.000 trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và hơn 240.000 trẻ em mồ côi, lang thang. Do vậy, nhu cầu được nhận làm con nuôi là rất lớn./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục