Xúc tiến đầu tư vào ngành kinh tế biển của Việt Nam

“Hội nghị xúc tiến đầu tư kinh tế biển Việt Nam 2010” quy tụ hơn 10 nhà đầu tư nước ngoài và đông đảo các doanh nghiệp trong nước.
Ngày 9/7, tại Hải Phòng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư kinh tế biển Việt Nam năm 2010.”

Hơn 10 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Đức, Nga, Bỉ, Qatar... và đông đảo các doanh nghiệp trong nước tham dự hội nghị.

Hội nghị đầu tư là hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, tăng nhanh tốc độ phát triển kinh tế biển. Đồng thời là cầu nối để các nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn về Việt Nam với nhiều lợi thế phát triển về cảng biển, các dịch vụ hậu cần cảng biển, vận tải biển, du lịch, khai thác chế biến thủy hải sản.

Kinh tế biển đóng góp một phần rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển của nước ta đạt khoảng 47-48% GDP cả nước.

Đến nay, hầu hết các tập đoàn khai thác cảng biển và vận tải biển hàng đầu thế giới với nhiều dự án xây dựng và khai thác cảng container đã có mặt ở Việt Nam. Sự đầu tư của các tập đoàn cảng biển lớn trên thế giới tại Việt Nam sẽ góp phần làm cho hệ thống cảng biển Việt Nam hiện đại hơn, thu hút một lượng khách hàng không nhỏ đến với Việt Nam.

Hải Phòng là đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Với những chính sách khuyến khích đầu tư, hệ thống cảng biển khu vực Hải Phòng đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp khai thác cảng không ngừng tăng, hiện có trên 30 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cảng biển ở Hải Phòng.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển cảng cửa ngõ Lạch Huyện, đến năm 2030 cảng này sẽ trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Bắc. Theo đó, tàu container 6.000 TEU hoặc tàu chở hàng tổng hợp từ 80.000 tấn trở lên có thể ra vào cảng dễ dàng, thuận tiện. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển cụm cảng này.

Nhiều đại biểu đã đưa ra những giải pháp để phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững như: cần xây dựng chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển, đồng hành với đó là quá trình đẩy nhanh các hoạt động kinh tế biển gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo.

Các địa phương nên tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực; huy động các nguồn vốn đầu tư, chủ động lập các dự án cụ thể để vận động ODA cho vùng biển và ven biển; xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng có chọn lọc các nhà đầu tư tiềm năng về tài chính và trình độ quản lý, các dự án công nghệ tiên tiến. Đồng thời kiên quyết từ chối các dự án có nguy cơ làm phương hại đến môi trường và an ninh quốc phòng./.

Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục