Canada bị thiệt hại nặng do khủng hoảng châu Âu

Theo BoC, châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng trong năm 2012 và cuộc khủng hoảng này sẽ khiến Canada thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Canada (BoC), châu Âu chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trầm trọng trong năm 2012 và cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực này sẽ khiến Canada thiệt hại khoảng 10 tỷ USD.

Đây cũng chính là lý do khiến BoC phải giữ nguyên mức lãi suất 1% trong bối cảnh những quan ngại về nợ của các hộ gia đình ngày một tăng.

Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn phân tích trên báo "Thư tín Địa cầu" số ra ngày 18/1 cho biết Thống đốc BoC Mark Carney nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu sẽ hạn chế các hoạt động thương mại và ngân hàng của Canada, đồng thời cảnh báo tín dụng toàn cầu có thể sẽ bị siết chặt.

Dự báo mới nhất của BoC về triển vọng kinh tế Canada trong vài năm tới không khác nhiều so với dự báo của ngân hàng này hồi tháng 10/2011, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2% trong năm 2012 và sẽ lên đến 2,8% trong năm 2013.

Ngoài ra, BoC còn dự đoán nền kinh tế (của Canada) sẽ đạt tốc độ cao vào quý III/2013. Trên thực tế, BoC đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Canada theo từng quý, với mức tăng trưởng trong quý I và II năm 2012 là 1,8%, quý III là 2,1% và quý cuối cùng của năm là 2,6%.

Dự báo mới của BoC được đưa ra ngay sau khi ngân hàng liên bang này quyết định giữ nguyên mức lãi suất 1% ngay cả khi mối quan ngại về các khoản nợ hộ gia đình đang tăng lên - tới mức lịch sử 153%, một lỗ hổng mà theo các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tiếp tục mở rộng.

Chi tiêu nợ, nhờ vào một hệ thống ngân hàng thuận lợi và tỷ lệ thế chấp thấp kỷ lục, đang tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế khi nhu cầu toàn cầu giảm sút và những thách thức trong năng lực cạnh tranh hạn chế xuất khẩu.

Tuy nhiên, BoC lo lắng rằng sẽ có quá nhiều người bị tổn thương nếu có sự suy giảm mạnh trong thị trường lao động hoặc nếu giá nhà đất giảm, nguy cơ buộc người tiêu dùng phải giảm mức chi tiêu sẽ càng lớn hơn, ngay cả khi họ có các khoản vay dài hạn.

Đối với châu Âu, khu vực đang phải đối mặt với thách thức nhằm cân bằng nợ, vấn đề khủng hoảng tài chính thậm chí còn phức tạp hơn nhiều.

Trong khi thừa nhận các nhà chức trách châu Âu đang nỗ lực kiềm chế mức độ tồi tệ của cuộc khủng hoảng, BoC nhấn mạnh mức độ suy thoái trong khu vực sẽ phụ thuộc vào biện pháp sửa chữa của các ngân hàng và phần còn lại của thế giới cũng sẽ cần phải tăng nhu cầu đối với xuất khẩu châu Âu trong ít nhất một vài năm để bù đắp cho kế hoạch thắt lưng buộc bụng sẽ "kéo dài đáng kể" trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục