Háo hức tới Triều Tiên

Bất chấp đe dọa, các du khách vẫn đổ tới Triều Tiên

Bất chấp đe dọa từ phía Triều Tiên, du khách vẫn đổ về Bàn Môn Điếm chia cắt hai miền, thậm chí còn háo hức với... không khí thời chiến.
Không chùn bước trước những đe dọa chiến tranh hạt nhân hủy diệt của CHDCND Triều Tiên, các đoàn du khách vẫn ùn ùn đổ về khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) chia rẽ hai miền Triều Tiên. Với một số du khách nước ngoài, giọng điệu hiếu chiến của hai bên thậm chí còn khiến họ có thêm động lực tới vùng biên giới được vũ trang tận răng này, một điểm thu hút khách du lịch lớn kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-53. “Tình hình được toàn thế giới chú ý, và thật háo hức được chứng kiến tận mắt một phần những gì diễn ra”, Shan Shan Loh, một du khách từ Malaysia nói. Luis Andrade, một kỹ sư từ Venezuela, cũng háo hức không kém: “Đây là tình trạng chiến tranh lạnh gần nhất mà tôi được chứng kiến. Tôi từng ở Berlin, nhưng là rất lâu sau khi bức tường sập. Ở đây giống như một bức tường Berlin còn sống”. Khi các du khách nước ngoài tới thăm Bàn Môn Điếm ở biên giới Hàn Quốc-Triều Tiên, họ phải tuân thủ nhiều quy định, trong đó có một tấm biển ghi: “Không đùa giỡn”. Khi bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên làm việc rất quyết liệt vài tuần lễ qua, việc đùa giỡn một chút ở khu giới tuyến, với rủi ro khiến các lính gác từ miền bắc nổi cáu, là điều khó cưỡng lại. Mười ngày trước, Triều Tiên tuyên bố đã ở trong “tình trạng chiến tranh” với miền nam, và hôm thứ Ba cảnh báo một cuộc “chiến tranh nhiệt hạch” cũng như khuyến cáo các du khách nước ngoài rời đi.

Những dải băng kèm thông điệp hòa bình được du khách cài ở hàng rào thép gai chia cắt hai miền Triều Tiên (Nguồn: AFP)
Nhưng các chuyên gia nói Triều Tiên vẫn còn xa mới có thể sở hữu một vũ khí hạt nhân và cả người dân lẫn người nước ngoài ở Hàn Quốc chỉ nhún vai về những đe dọa. “Triều Tiên chỉ cố dọa mọi người và khiến họ lo lắng”, một nhân viên du lịch nói. Người này khẳng định lượng du khách không thay đổi nhiều so với các mùa này trong năm. “Ngoài nhóm 43 người ban đầu, chúng tôi có hai người hủy chuyến hôm nay, nhưng điều đó rất hiếm. Chúng tôi không làm những gì Kim Jong-Un nói. Chúng tôi bình tĩnh. Nếu có đe dọa thực sự nào với các chuyến đi tour, Liên Hợp Quốc sẽ là đơn vị hủy. Chúng tôi theo hướng dẫn của họ”. Một hàng dài du khách đứng trước điểm nhấn của tour du lịch, một đường hầm bí mật do miền Bắc đào bị phát hiện năm 1978. Đường hầm là sự nhắc nhở lại một thời kỳ mà căng thẳng Nam-Bắc là hành động hơn là lời nói, và là một công trình ấn tượng, được đào sâu khoảng 75 mét. Có thể được dùng để tổ chức một cuộc tấn công bất ngờ vào Seoul, với tốc độ chuyển quân qua đường hầm là 30.000 lính trang bị nhẹ mỗi giờ. Điểm quan trọng khác trong tour là Bàn Môn Điếm, ngôi làng biên giới không có người ở là địa điểm ký thỏa ước ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, nơi binh sĩ hai miền Nam-Bắc giáp mặt nhau hàng ngày.

Du khách tham quan một đầu máy xe lửa bị tàn phá từ thời chiến tranh Triều Tiên ở Paju (Nguồn: AFP)
Một tháng trước, Bình Nhưỡng đã tuyên bố đơn phương hủy hiệp ước ngừng bắn, nhưng lính biên phòng hai phía vẫn chưa trao đổi gì khác ngoài những cái nhìn lạnh lùng. Trước khi ghé Bàn Môn Điếm, du khách phải ký một “cam kết” trong đó họ hứa không được đùa cợt, chỉ chỏ và ra dấu hiệu. “Nếu có bất cứ sự cố nào xảy ra, xin hãy bình tĩnh”, bản cam kết nói, kém theo yêu cầu du khách không đòi bồi thường bất cứ “thiệt hại với thân thể nào” vì chuyến thăm. Hầu hết các du khách ký luôn cam kết mà không thèm đọc. Hướng dẫn viên ở Bàn Môn Điếm chủ yếu do các chuyên gia an ninh trong phái bộ của Liên Hợp Quốc thực hiện. “Với chúng tôi ít ra là không sao. Nếu Triều Tiên làm gì đó với Liên Hợp Quốc thì giống như là họ tuyên chiến với cả thế giới vậy. Lực lượng Hàn Quốc ở đây có lẽ thấy căng thẳng hơn chúng tôi”, một nhân viên trong phái bộ nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục