Việt-Trung tăng cường trao đổi về khoa học xã hội

Cùng với các lĩnh vực hợp tác khác, việc tăng trao đổi giữa giới khoa học xã hội Việt-Trung cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Đại diện của Việt Nam và Trung Quốc nhất trí cho rằng, cùng với các lĩnh vực hợp tác khác, việc tăng cường trao đổi giữa giới khoa học xã hội hai nước là một bộ phận quan trọng trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt-Trung và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 8-12/4, Đoàn đại biểu Viện Khoa học Xã hội Việt Nam do ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện dẫn đầu đã có cuộc gặp với Phó Chủ tịch Chính hiệp, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Trần Khôi Nguyên.

Hai bên trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề nổi lên mà hai nước đang xử lý trong quá trình phát triển về mô hình tăng trưởng mới, cải cách tài chính-tiền tệ, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ…

Trong bối cảnh Trung Quốc đang trong quá trình thay đổi phương thức phát triển và Việt Nam đang tái cấu trúc nền kinh tế để thích ứng với môi trường quốc tế thay đổi, hai nước gặp phải nhiều vấn đề tương đồng và có nhiều bài học kinh nghiệm có thể tham khảo lẫn nhau.

Hai bên nhất trí sẽ tổ chức diễn đàn trao đổi khoa học hàng năm để chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề nổi lên như giải quyết các vấn đề xã hội dân sinh, thu hẹp khoảng cách thu nhập, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách tài chính-ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, cải cách văn hóa, quản trị xã hội…

Trong thời gian ở Bắc Kinh, Đoàn đại biểu Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có buổi làm việc với Diễn đàn cải cách Trung Quốc do ông Lý Quân Như, Ủy viên thường vụ Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc làm Phó Chủ tịch Diễn đàn cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp của Trung Quốc.

Hai bên chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế của Trung Quốc và tái cấu trúc kinh tế của Việt Nam, nhất trí cho rằng bản chất của quá trình chuyển đổi là sự điều chỉnh lại mối quan hệ ba chiều giữa nhà nước, thị trường và xã hội cho phù hợp với đặc thù của mỗi nước và bối cảnh quốc tế mới, đặc biệt dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Kết thúc chương trình làm việc tại Bắc Kinh, Đoàn đại biểu Viện Khoa học Xã hội Việt Nam sẽ đi khảo sát tình hình doanh nghiệp và mô hình tài chính thí điểm tại Chiết Giang, Trung Quốc trong hai ngày 10-11/4./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục