Nhu cầu tiêu thụ LNG tại châu Á có xu hướng tăng

Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ khí đốt hóa lỏng (LNG) ở châu Á sẽ tăng mạnh, khi mà khu vực này đang đẩy mạnh khai thác ngoài khơi.
Các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, nhu cầu tiêu thụ khí đốt hóa lỏng (LNG) tại châu Á sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, khi mà khu vực này đang đẩy mạnh phát triển lĩnh vực hàng hải và khai thác ngoài khơi.

Cuộc nhóm họp tại Singapore mới đây của các chuyên gia về ngành hàng hải cho thấy nhu cầu LNG tăng cao đang mang lại cho châu Á những nguồn vốn đầu tư mới có quy mô lớn vào hoạt động thăm dò tài nguyên và cơ sở hạ tầng hàng hải, trong bối cảnh nhu cầu về tài nguyên và khí hóa lỏng của các nước trong khu vực đang ngày càng gia tăng.

Indonesia và Malaysia là hai quốc gia có tổng sản lượng LNG lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là nước dẫn đầu thế giới về số lượng kho tiếp nhận LNG.

Tính đến cuối năm 2010, nước này đã có 28 kho cảng chuyên tiếp nhận LNG. Mới đây, một số kho tiếp nhận LNG tương tự cũng được xây dựng thêm tại châu Á.

Singapore đang nỗ lực để trở thành trung tâm thương mại LNG của khu vực, với việc công bố dự án xây dựng một kho tiếp nhận LNG trên đảo Jurong trị giá 1,7 tỷ SGD (1,35 tỷ USD).

Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng đều đang lên kế hoạch hoặc nêu đề xuất về việc xây dựng các kho tiếp nhận LNG. Trạm nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2015.

Hội nghị và triển lãm hàng hải đầu tiên của châu Á cùng với Tuần lễ Hàng hải sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 25/4 đến ngày 27/4 tới. Đây cũng là một tín hiệu tích cực khác cho thấy châu Á đang tập trung phát triển lĩnh vực hàng hải và khai thác ngoài khơi.

Các dự án đầu tư này sẽ khiến nhu cầu đối với dịch vụ hàng hải ngày một gia tăng, ví dụ như dịch vụ kho nổi dùng để chứa, chế biến và xuất khẩu LNG (FPSO), giàn khoan và các công nghệ phụ trợ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất LNG tại châu Á, các nước trong khu vực cần phải tăng cường hợp tác và trao đổi lẫn nhau về lĩnh vực năng lượng và hàng hải.

Số lượng các kho tiếp nhận và khả năng dự trữ LNG tại khu vực Đông Nam Á hiện vẫn còn hạn chế, trong khi mạng lưới phân phối còn rất thưa thớt. Phần lớn tàu thuyền của các nước thuộc khu vực này không được thiết kế để lưu trữ hoặc sử dụng khí hóa lỏng, điều đó có nghĩa là việc chuyển đổi sẽ đòi hỏi chi phí lớn./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục