Bộ trưởng tài chính Eurozone họp về cứu trợ Hy Lạp

Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) nhóm họp trong ngày 12/3 để thông qua lần cuối gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp.
Sau khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) nhóm họp trong ngày 12/3 để thông qua lần cuối gói cứu trợ thứ hai cho nước này và thảo luận về các biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn khả năng lặp lại khủng hoảng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận hoán đổi nợ không giúp giải quyết được mọi vấn đề của Hy Lạp. Mặc dù được giảm hơn 100 tỷ euro nợ, song Hy Lạp vẫn là một trong những nước nợ nhiều nhất ở Eurozone và không loại trừ khả năng sẽ vỡ nợ, thậm chí là phải ra khỏi liên minh tiền tệ.

Các đối tác trong khu vực có thể cắt viện trợ cho Hy Lạp, nếu chính phủ mới được bầu ra sau cuộc bầu cử sắp tới không thực hiện được đúng những cam kết về cải cách kinh tế. Vấn đề hiện nay của Hy Lạp là phải tăng trưởng kinh tế trở lại, nếu không sẽ không ổn định được mức nợ. Kinh tế nước này đã suy thoái năm thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 15% so với trước khủng hoảng tài chính năm 2008, còn tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 21%.

Tại cuộc họp, các bộ trưởng cũng bàn về vấn đề tăng cường quỹ chống khủng hoảng của khu vực lên 750 tỷ euro. Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM), tức quỹ cứu trợ thường trực, có quy mô 500 tỷ euro dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới, thay thế Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), tức quỹ cứu trợ tạm thời, hiện còn 250 tỷ euro sau khi hỗ trợ một số nước. Ban đầu, các nhà lãnh đạo đã thống nhất tổng các quỹ cứu trợ sẽ không vượt quá 500 tỷ euro, song đang chịu sức ép trong việc kết hợp hai quỹ cứu trợ thành một quỹ có năng lực cho vay là 750 tỷ euro. Một lựa chọn khác được đưa ra là để EFSF tồn tại song song với ESM.

Bên cạnh đó, điều có thể được bàn tới tại cuộc họp là tình hình ngân sách của Tây Ban Nha, sau khi Bộ trưởng Tài chính nước này Mariano Rajoy hồi đầu tháng đã gây ngạc nhiên cho các đối tác khi nói rằng Tây Ban Nha chỉ có thể đưa thâm hụt ngân sách trong năm nay xuống 5,8% GDP, thay vì 4,4% GDP như đã đề ra trước đó.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha không phải là mối lo duy nhất của các nhà lãnh đạo châu Âu, khi thâm hụt ngân sách của Hà Lan được dự báo sẽ tăng lên 4,5% GDP vào năm tới, vượt giới hạn 3% GDP mà Liên minh châu Âu (EU) đề ra. Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh của EU hồi đầu tháng, 25 trong số 27 nước thành viên đã thông qua hiệp ước tài chính nhằm thắt chặt các kỷ luật chi tiêu và các biện pháp trừng phạt với những nước vi phạm./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục