Cân nhắc "đóng cửa rừng" trên phạm vi toàn quốc

Phương án “đóng cửa rừng” sẽ tiến tới triệt tiêu tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hóa nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.
Nhiều ý kiến cho rằng phương án “đóng cửa rừng” sẽ khắc phục, tiến tới triệt tiêu được tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hóa nguồn gốc gỗ bất hợp pháp.

Ngày 23/10, Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã họp lần thứ 3 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2012 và xây dựng các biện pháp đẩy mạnh công tác phát triển, bảo vệ rừng.

Nội dung được các thành viên Ban Chỉ đạo đặc biệt quan tâm, thảo luận tại hội nghị là việc tìm biện pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn cả nước. Đáng chú ý, nhiều ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị “đóng cửa rừng”, tạm dừng việc khai thác gỗ rừng tự nhiên toàn quốc.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, sau chín tháng của năm 2012, nhiều chỉ tiêu về phát triển rừng đạt thấp, đặc biệt là chỉ tiêu trồng rừng.

Báo cáo cho thấy, trong thời gian này, cả nước mới chỉ khoanh nuôi tái sinh được 211.337ha rừng, ước cả năm đạt 74% kế hoạch. Diện tích trồng rừng bằng 97% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 44% kế hoạch. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng mới đạt 24% kế hoạch, ước cả năm đạt 33,3% kế hoạch. Việc trồng rừng sản xuất đạt 46%, ước cả năm đạt 67% kế hoạch.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Văn phòng Ban Chỉ đạo là do việc bố trí nguồn vốn ngân sách không tương ứng với các chỉ tiêu nhiệm vụ. Một số địa phương lại phân bổ tỷ lệ vốn ngân sách Trung ương cấp cho nhiệm vụ này vào mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng; chưa chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực vào đầu tư thực hiện kế hoạch, còn nặng tư tưởng trông chờ ngân sách Trung ương...

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 2.735 vụ phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại 2.106ha rừng (giảm 37% so với cùng kỳ năm 2001). Trọng điểm của vi phạm lâm luật diễn ra tại các tỉnh miền trung Tây Nguyên, Tây Bắc. Lực lượng chức năng đã phát hiện gần 11.000 vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển và chế biến lâm sản trái pháp luật (giảm 10% so với cùng kỳ), tịch thu hơn 25.000m3 gỗ các loại, nộp ngân sách 212,8 tỷ đồng; phát hiện và xử lý hơn 600 vụ vi phạm về quản lý động vật hoang dã.

Đáng chú ý, thời gian này cũng đã xảy ra 384 vụ cháy rừng, tăng 158 vụ so với cùng kỳ năm 2011. Đặc biệt tình trạng chống người thi hành công vụ diễn tiến ngày càng gay gắt với 35 vụ gây hậu quả nghiêm trọng làm bị thương 15 cán bộ, gây bức xúc trong xã hội.

Những ý kiến đề xuất “đóng cửa rừng” tại buổi họp cho rằng, phương án mạnh mẽ này sẽ khắc phục, tiến tới triệt tiêu được tình trạng lợi dụng chỉ tiêu khai thác rừng để hợp thức hoá nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, không ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động khai thác rừng nhức nhối hiện nay. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị cần đẩy mạnh chỉ tiêu xã hội hóa nhiệm vụ trồng rừng; đẩy mạnh giao rừng cho các hộ gia đình để tự chăm sóc, bảo vệ.

Chỉ đạo buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tổng hợp kỹ, đề xuất Chính phủ xem xét, cho ý kiến trong Đề án khai thác gỗ rừng tự nhiện giai đoạn 2013-2020.

Phó Thủ tướng lưu ý, Đề án cần tính toán những giải pháp xử lý các hệ quả mà phương án này đem lại, nhất là vấn đề tổ chức, nguồn thu của các công ty quản lý rừng, trách nhiệm quản lý rừng, nguồn gỗ tự nhiên hợp pháp trong nước phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống,…. Tương tự là các chính sách khuyến khích chế biến sử dụng gỗ rừng trồng, công tác nghiên cứu khoa học về nuôi dưỡng, phục hồi rừng tự nhiên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, ngăn chặn các việc vi phạm lâm luật.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về kế hoạch phát triển rừng từng địa phương, cần thiết đề xuất với Thủ tướng có văn bản chỉ đạo riêng, nhất là các địa phương đạt kế hoạch thấp, có nhiều vụ việc nhức nhối trong vấn đề quản lý, bảo vệ rừng,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng lưu ý, đối với các dự án nhà máy thuỷ điện, kiên quyết thực hiện cơ chế trồng rừng bù cho diện tích rừng bị mất do xây dựng dự án. Trường hợp địa phương chưa bố trí được đất thì có thể áp dụng cơ chế thu tiền. Đối với các dự án mới thì phương án trồng rừng bù là yếu tố bắt buộc để xem xét, phê duyệt./.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục