Rừng phòng hộ sông Hương

Phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn sông Hương

Thảm thực vật rừng đầu nguồn sông Hương được đánh giá là ngày càng phát triển, từ đó phát huy tác dụng tốt trong việc phòng hộ.
Rừng đầu nguồn sông Hương (Thừa Thiên-Huế) có tổng diện tích 8.688,6ha, bao gồm 11 tiểu khu. Địa hình chủ yếu là các dãy núi trung bình và thấp, có độ cao trung bình 200m, bị chia cắt bởi các hệ thống khe suối.

Vùng rừng ở đây chịu ảnh hưởng của thời tiết khí hậu gió mùa, với hai mùa rõ rệt trong năm.

Mùa mưa, với lượng mưa bình quân 2.000-2.500mm/năm, có năm đạt 4.500 mm/năm, mưa tập trung vào ba tháng cuối năm, thời kỳ này thường kèm theo bão và gió mùa Đông Bắc gây lũ lụt, sói mòn, rửa trôi mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, trồng trọt và chăn nuôi.

Trong khi từ tháng Hai đến tháng Tám, vùng rừng ở đây chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô hạn nên nguy cơ cháy rừng cao.

Nhiều năm qua, một phần do bị tàn phá trong chiến tranh và qua khai thác sử dụng bừa bãi nên rừng đầu nguồn sông Hương có tới 3.136,3ha rừng nghèo. Tầng thứ rừng không rõ ràng, nhất là các vùng gần dân cư bị khai thác mạnh, kết cấu rừng bị phá vỡ nghiêm trọng. Các loài cho gỗ quý có giá trị kinh tế cao không còn, thay vào đó là các loài giẻ, chuồn, lèo heo, ngát, sú... và một số cây ưa sáng mọc nhanh khác.

Từ năm 2007 đến nay, Thừa Thiên-Huế đã tập trung trồng mới được 1.288ha rừng, phục hồi 1.415,2ha rừng nghèo khác, tập trung phần lớn ở địa bàn các xã Bình Điền và Bình Thành (huyện Hương Trà). Hầu hết diện tích đều được giao cho hộ gia đình nhận khoán trồng, quản lý bảo vệ rừng nên rừng trồng, được chăm sóc, bảo vệ tốt. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đã được chú ý quan tâm, nên diện tích rừng ngày càng xanh tốt.

Biện pháp có ý nghĩa thiết thực của Thừa Thiên-Huế là vận dụng có hiệu quả các chính sách hiện hành trong công tác giao khoán, quản lý bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng cho các hộ gia đình, tập thể.

Một mặt, tạo công ăn việc làm từ rừng và đất rừng cho nhân dân, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng. Mặt khác, tỉnh đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, trong gieo tạo cây giống theo kiểu giâm hom, cấy mô... phát triển các kỹ thuật canh tác bền vững.

Tỉnh thực hiện phương thức trồng cây bản địa dưới tán, phổ biến các kỹ thuật làm nghề rừng theo hướng sản xuất nông lâm kết hợp, áp dụng tiến bộ mới về kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng rừng, nhanh chóng phục hồi hệ sinh thái đồng thời giúp cho người dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu hiệu quả thấp.

Đối với diện tích rừng phục hồi, các địa phương đã chọn những diện tích có đủ trên 1.000 cây tái sinh/ha để tiến hành khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên. Những diện tích trạng thái rừng nếu chưa đủ theo tiêu chí trên thì sẽ tiến hành trồng bổ sung các loại cây rừng như chò, dầu, sao, huỳnh...theo cụm, hàng hoặc theo thiết kế cụ thể cho từng tiểu khu rừng.

Gần đây, thảm thực vật rừng đầu nguồn sông Hương được các nhà chuyên môn đánh giá là ngày càng phát triển, nhờ đó đã phát huy tác dụng tốt trong việc phòng hộ, hạn chế lũ lụt, bảo vệ đất chống xói mòn, cải tạo môi trường sinh thái cho vùng hạ du./.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục