Vụ Suối Tráng: Áp lực nước mạnh hơn xe tải đâm

Áp lực nước tràn từ bể áp lực thủy điện Suối Tráng xuống cuốn hai nạn nhân ra suối đạt tới 9m3/giây, mạnh hơn xe tải đâm vào.
Liên quan đến vụ tai nạn ở thủy điện Suối Tráng làm anh Bùi Văn Phương (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) thiệt mạng, ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Công ty Văn Hồng-chủ đầu tư nhà máy cho hay, lượng nước tràn từ bể áp lực tới đường vận hành gây ra vụ tai nạn thảm khốc chiều 15/9 ở lúc cực đại có thể đạt tới 9m3/giây.

Theo ông Hồng, áp lực nước từ đường mương dài 1,8km là rất lớn, thậm chí còn hơn chiếc xe tải tông vào.

Vị giám đốc này cũng nói, khu vực tai nạn thuộc địa giới của nhà máy và đã được ghi cảnh báo nguy hiểm. Thậm chí, Công ty còn cử anh Khân [anh trai của nạn nhân Phương-pv] đứng vớt rác ở khu vực đó và khi có sự cố thì phải đứng ra cảnh giới.

Theo ông Hồng, sự việc tràn nước nói trên thường xuyên xảy ra khi mất điện lưới đột ngột. Khi ấy, hệ thống sẽ tự động ngắt nước vào tổ máy khiến nước từ bể áp lực tràn ra đường vận hành và ngoài tầm kiểm soát của nhà máy. Cùng lúc, công nhân của nhà máy phải xử lý đóng cánh phai nhận nước (thường mất khoảng 10-15 phút) để hạn chế nước tràn. Sau 30 phút, nước sẽ không tràn ra đường vận hành rồi từ đó xuống khe suối nữa.

Ông Hồng dẫn lời một số công nhân tại thủy điện nói khi anh Phương tới xin nước thì sự cố xảy ra. Anh em công nhân có khuyên anh Phương đợi khi nước tràn qua bể mới nên đi qua. Tuy nhiên, chiếc xe máy vẫn cố đi qua để... rửa cho sạch.
 
“Khi tai nạn xảy ra, Công ty đã hỗ trợ cho gia đình anh Phương 5 triệu đồng làm mai táng phí và anh Đông bị thương 1 triệu đồng tiền thuốc men,” ông Hồng cho biết.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bắc Phong cho hay, vụ tai nạn xảy ra trên mảnh đất của nhà máy. Tuy nhiên, khu vực nói trên cũng là đoạn đường mà bà con thường xuyên đi lại để làm nương rẫy nên rất nguy hiểm.

“Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ khu đất của mình. Phải có hành lang bảo vệ và người hướng dẫn thường xuyên giúp bà con đi lại, nếu không sẽ còn nhiều vụ nguy hiểm. Chúng tôi chưa thấy sự phối hợp giữa nhà máy và người dân,” ông Bình khẳng định.

Theo phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cao Phong, ông Vũ Đình Việt, trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu trong vụ tai nạn nói trên sẽ được cơ quan chức năng [ngành công an-pv] kết luận và xử lý.

Tuy nhiên, ông Việt cũng nói khu vực đường đi dẫn đến tai nạn nói trên không phải là tuyến đường giao thông mà là đường phục vụ hoạt động của nhà máy. Về nguyên tắc, trong khu vực nhà máy thì chỉ người có phận sự mới được vào. Khu vực nước tràn ra được thiết kế như hệ thống xả lũ khi nhà máy gặp sự cố. Bởi vậy, cần phải có cảnh báo  đến người dân để tránh những tai nạn đáng tiếc như trường hợp của anh Phương.

Trước mắt, cần tách đường nhà máy và đường cho người dân đi lại. Ngoài ra, huyện yêu cầu nhà máy phải đặt hệ thống barie ảnh báo, cấm người dân vào khu vực nguy hiểm. Ủy ban Nhân dân xã phải thường xuyên tuyên truyền cho người dân không đi vào khu vực của nhà máy.

Ngoài việc dựng thêm những biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực tai nạn, Giám đốc Đặng Văn Hồng cũng cho biết đơn vị này sẽ ngăn khu vực này bằng barie và cắt cử người trông coi.

Hiện, Văn Hồng cũng đang cho làm lan can để tránh việc khi nước tràn sẽ cuốn bay xuống suối. Ngoài ra, phía công ty cũng đang nghiên cứu lại để có thể tạo riêng cho người dân một con đường đi khác, không tự ý đi qua khu vực nguy hiểm nói trên.

Hiện, kết luận cuối cùng của vụ tai nạn vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố. Tuy nhiên, vụ tai nạn cũng là hồi chuông cảnh báo trong việc khoanh vùng không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm cũng như nâng cao ý thức cho họ để tránh những tai họa đáng tiếc có thể xảy ra./.

Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục