Chia sẻ kinh nghiệm phục hồi cho người nhiễm chất độc

Các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến tại diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phục hồi chức năng cho những nạn nhân chất độc hóa học.
Hàng trăm đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tham dự diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học, diễn ra ngày 25/5, tại Hà Nội.

Chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức nhằm đúc rút kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm quý báu về công tác phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc hóa học, góp phần giúp các nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.

Trong diễn đàn, nhiều đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong công tác phục hồi chức năng như "mô hình chăm sóc nạn nhân bán trú" của tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; "tổng quan về tác hại của chất độc hóa học và bệnh ung thư" của tiến sĩ Nguyễn Bá Đức đến từ Hội Phòng chống ung thư Việt Nam; các tham luận về phục hồi chức năng cho nạn nhân khó khăn về vận động, nghe nói, nhìn, học tập... do nhiều nạn nhân chất độc hóa học trình bày.

Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, chương trình phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học ở Việt Nam ngày càng phát triển.

Hiện có ba cơ sở phục hồi chức năng dành riêng cho các nạn nhân chất độc hóa học được xây dựng tại Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai nằm trong kế hoạch hành động giai đoạn 2004-2010 khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Dự án đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của các nạn nhân chất độc hóa học, giúp họ hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp kỹ thuật phục hồi chức năng, cung cấp dụng cụ trợ giúp, chuyển giao kiến thức và hướng dẫn phục hồi chức năng cho các nạn nhân.

Sắp tới sẽ có 10 trung tâm phục hồi chức năng dành riêng cho nạn nhân chất độc hóa học hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần phục hồi chức năng cho các nạn nhân ở nhiều vùng miền trong cả nước, kể cả đối với nạn nhân khuyết tật về trí tuệ.

Việt Nam cũng nhận được sự trợ giúp tích cực của bạn bè quốc tế về mặt kỹ thuật, kỹ năng, nghiệp vụ phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Tiến sĩ Trần Trọng Hải đến từ Hội Phục hồi chức năng chia sẻ, trước năm 1987, phục hồi chức năng chưa ra đời ở Việt Nam mà chỉ có các khoa vật lý trị liệu ở một số bệnh viện lớn. Từ năm 1987 đến nay, hệ thống phục hồi chức năng ở Việt Nam được hình thành và từng bước phát triển từ trung ương tới các địa phương.

Việt Nam có nhiều loại hình phục hồi chức năng như phục hồi chức năng dựa vào các trung tâm, các viện; phục hồi chức năng ngoại viện, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Trong đó, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là hình thức mang lại hiệu quả cao cho người khuyết tật nói chung và nạn nhân chất độc hóa học nói riêng với tỷ lệ người khuyết tật được phục hồi từ 70-80%, lôi cuốn sự tham gia tích cực của người khuyết tật, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, chất lượng phục hồi được đảm bảo, người khuyết tật có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu cơ bản của xã hội, chi phí cho hình thức này phù hợp với mức kinh phí của các nạn nhân chất độc hóa học.

Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học dựa vào cộng đồng diễn ra đến ngày 26/5./.

Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục