Những ẩn họa từ lòng đất giữa thời bình

Chiến tranh đã lùi xa, song vẫn có tiếng nổ của bom mìn vang lên giữa thời bình. Và, những sinh mạng nhỏ bé vĩnh viễn bị cướp đi…
Chiến tranh đã lùi xa, song dư chấn của nó đến nay vẫn chưa hề kết thúc. Thi thoảng, lại có tiếng nổ vang lên, những sinh mạng nhỏ bé vĩnh viễn bị cướp đi… Người chết là lao động chính

Tại Hội nghị Tổng kết Dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của bom mìn, vật nổ ở Việt Nam” thực hiện ở 6 tỉnh miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi), các chuyên gia không thể không nhắc tới những nỗi đau...
Kể từ khi kết thức chiến tranh năm 1975, bom đạn, rocket và mìn sát thương đã lấy đi cuộc sống của 10.529 người và làm thương 12.231 người ở 6 tỉnh khúc ruột miền Trung. Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Xử lý Bom mìn (Binh chủng công binh, Bộ Quốc phòng), nói rằng, tỷ lệ số nạn nhân chết bởi bom mìn chủ yếu ở độ tuổi lao động sung mãn. Số lượng người bị thương cũng rất cao và hầu hết đều ở lứa tuổi dưới 30. Tất cả họ, đa phần là nam giới. Người chết đã vậy, người sống ngoài việc gồng gánh kinh tế, còn lo ngay ngáy bởi không biết chỗ nào còn sót bom mìn. Đấy là chưa kể đến trường hợp bố mẹ phải nuôi con cái tật nguyền cả đời vì nghịch quả đạn, nguồn nước bị ô nhiễm hay việc chậm hưởng thụ những công trình công cộng bởi bị trì hoãn trong quá trình xây dựng do bom mìn còn sót lại… Lại nữa, với 82,1% nạn nhân ở nông thôn, kinh tế còn eo hẹp nên việc chữa trị cũng gặp nhiều trở ngại về kinh tế. Giọng buồn buồn, ông Cảnh nói rằng, hiện, hơn một phần ba diện tích đất đai của 6 tỉnh vẫn mang trong mình nhiều loại bom mìn.
Chủng loại bom, mìn, vật nổ còn nằm trong lòng đất:
-    Các loại mìn chống tàu xuồng (thủy lôi).
-    Các loại mìn chống cơ giới và chống người.
-    Các loại đạn pháo từ 37mm - 203mm, đạn hỏa tiễn và tên lửa, đạn cối từ 60mm – 160mm, đạn bộ binh, lựu đạn. Ngoài ra, còn có các loại đạn đặc biệt như đạn chứa các chất hóa học, chất cháy…
-    Các loại bom bi và bom phá từ 100 đến 11.000 bảng Anh; các loại bom chưa chất hóa học, chất độc, chất cháy (CS, phốt pho, Napalm…)  
Điều tra từ 1.360/1.361 xã, phường, thị trấn cho thấy, hầu hết các xã đều bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ với 3.260 khu vực trên tổng diện tích xấp xỉ 1,6 triệu ha. Trong khuôn khổ của dự án, các chuyên gia đã rà soát được 24.018 bom mìn. Song, đây chỉ là con số nhỏ của cả tảng băng còn chìm dưới lòng đất. Sẽ điều tra bom mìn trên toàn quốc Từ năm 1975 đến nay, có nhiều chiến dịch rà phá bom mìn với quy mô từ nhỏ đến lớn do các lực lượng vũ trang thực hiện nhằm giải phóng đất đai, đưa dân về quê hương sinh sống, canh tác… Tuy nhiên, các chiến dịch chủ yếu tập trung tại những khu vực được coi là nhiều bom, mìn, vật nổ. Việc rà phá hầu hết cũng mới dừng ở mức độ đáp ứng yêu cầu trước mắt như chỉ giải quyết ở độ sâu đến 0,3m và hạn chế trong các vùng đất canh tác, xây dựng nhà cửa, công trình cụ thể. Ông Cảnh nói, các cán bộ của dự án ngoài việc rà soát, đánh giá còn trú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc tự phòng tránh thương vong. Tuy nhiên, tại khu vực rừng núi trên địa bàn 6 tỉnh điều tra, số lượng bom mìn, vật nổ chưa được phát hiện và rà phá là rất đáng kể. Tại đây, công tác rà phá còn nhiều trở ngại do địa hình đi lại khó khăn. Lại nữa, người dân miền núi ít có điều kiện tiếp cận với thông tin và hoạt động tuyên truyền dẫn đến nhận thức về vấn đề này còn hạn chế… Thực tế thì dự án điều tra, khảo sát đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ tại 6 tỉnh đã kết thúc. Song, ông Cảnh cho rằng, đây là tiền đề để hướng tới chiến lược quốc gia rà phá bom mìn, bảo đảm an sinh xã hội. Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề này, ông Cảnh cho hay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã duyệt đề án điều tra rà soát bom mìn ở phạm vi quốc gia./.
Dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của sự ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” do Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng) thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.

Được thực hiện từ tháng 3/2004 đến tháng 12/2008, dự án đã hoàn tất công việc của mình tại 1.361 xã (phường, thị trấn) thuộc 6 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi.

Bà Nguyễn Thu Thảo, Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam hy vọng, kết quả cuối cùng của dự án sẽ giúp cung cấp cho Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ những thông tin thiết yếu về tác động của bom mìn, vật nổ đối với cộng đồng dân cư. Từ đó, có những biện pháp hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Trung Hiền – Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục