Mali: Chính phủ và phiến quân đạt sự đồng thuận

Ngày 4/12 tại thủ đô Ouagadougou, Burkina Faso, Chính phủ Mali và hai nhóm phiến quân đã nhất trí tôn trọng đoàn kết dân tộc của Mali.
Trong cuộc gặp lần đầu tiên ngày 4/12 tại thủ đô Ouagadougou của Burkina Faso, Chính phủ Mali và hai nhóm phiến quân đang kiểm soát miền Bắc nước này, gồm nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar Dine và Phong trào Dân tộc giải phóng Azawad - MNLA) của người Touareg, đã nhất trí tôn trọng đoàn kết dân tộc của Mali và tiếp tục đàm phán nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng đang chia cắt quốc gia Tây Phi này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Burkina Faso Djibril Bassole cho biết ba phái đoàn đàm phán đã nhất trí cần thành lập một nền tảng cho cuộc đối thoại nội bộ Mali, bao gồm tất cả các đại diện của các cộng đồng khác nhau đang sống tại miền Bắc Mali.

[Chính phủ Mali chấp thuận đối thoại với nhóm vũ trang]

Trong một tuyên bố chung sau hội nghị, ba bên nhất trí chấm dứt thù địch, tôn trọng đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Mali, đồng thời tôn trọng thể chế cộng hòa thế tục.

Các lực lượng phiến quân người Touareg cũng nhất trí ngừng theo đuổi một nhà nước ly khai ở miền Bắc.

Mali rơi vào khủng hoảng từ tháng Ba sau một cuộc đảo chính, kéo theo cuộc nổi dậy của phiến quân đòi ly khai khu vực miền Bắc.

MNLA đã chiếm đóng miền Bắc từ tháng Tư, và cuộc nổi dậy của lực lượng này được chỉ đạo bởi nhóm Hồi giáo Ansar Dine có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al Qaeda. Nhóm này muốn áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) tại miền Bắc.

Lo ngại cuộc khủng hoảng có thể lan ra toàn khu vực, lãnh đạo các nước thế giới đã kêu gọi các quốc gia châu Phi chuẩn bị một lực lượng để can thiệp, đánh đuổi phiến quân Hồi giáo khỏi miền Bắc Mali.

Tuy nhiên, tuần trước, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng kế hoạch tác chiến do các lãnh đạo châu Phi vẫn chưa hoàn chỉnh, còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ như ai sẽ chỉ huy, huấn luyện và trang bị cho lực lượng này.

Trước tình hình này, Chính phủ Mali và các nhóm phiến quân ở miền Bắc đã tiến hành đàm phán trong một nỗ lực nhằm tránh sự can thiệp quân sự từ bên ngoài./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục