Khám phá nhờ ngựa sắt

Khám phá những miền đất mới nhờ vào… ngựa sắt

Với "cư dân eMông," du lịch xe đạp không quá nhanh để không thể quan sát, cảm nhận và cũng không quá chậm để vượt đoạn đường dài.
Không chọn máy bay, ôtô, xe máy để làm phương tiện đi du ngoạn, một nhóm cư dân mạng đã “tụ” cùng nhau, cùng cưỡi lên những “chú ngựa sắt” rong ruổi trên những cung đường, khám phá dải đất hình chữ S. Với họ, tốc độ của xe đạp không quá nhanh để không thể quan sát, cảm nhận và cũng không quá chậm để vượt qua đoạn đường dài. Hơn thế, xe đạp còn có thể đến được những nơi mà những phương tiện khác phải… đứng nhìn.
Muôn dặm “ngựa sắt”
Hẹn gặp Nguyễn Hoàng Long (Casper_HN, thành viên Ban quản trị diễn đàn eMong.org) ở một địa điểm khá xa, quả thật tôi đã bị bất ngờ khi anh vượt gần 10km đến điểm hẹn bằng xe đạp. Sau khi đã “trói” con ngựa sắt bảnh chọe vào một vị trí an toàn, dễ quan sát, Long cười bảo rằng, từ hồi học phổ thông, anh đã mơ một lần đạp xe xuyên Việt. Năm 2008, diễn đàn photo.vn tổ chức chuyến đạp xe từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, Long như bắt được vàng. Lập tức, anh đã đăng ký tham gia. Để chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài 18 ngày này, Long phải vất vả nhờ tậu chiếc xe đạp địa hình với giá 550 USD. Có xe, anh lại phải anh “lần mò” trên các diễn đàn, tìm kiếm những người cùng sở thích để tham gia cho vui và cũng là tập thể lực. Sau chuyến đi dài, Nguyễn Hoàng Long đã thay đổi khái niệm đi du lịch. Anh thấy, việc ngắm cảnh, đạp xe rất thú vị. Đặc biệt, mỗi lần vượt qua đèo, anh lại có cảm giác vượt qua chính mình. Đầu năm 2010, anh cùng các thành viên như Vũ Linh, Ngọc Anh, Phương Liên… quyết định đứng ra thành lập một diễn đàn, lấy tên là eMông với mục đích quy tụ những người thích du lịch bằng xe đạp. Lúc ấy, họ đã hợp sức mua tên miền emong.org, rồi tự học cách xây dựng website, tổ chức hoạt động. Trong hai năm qua, Long và các bạn của mình đã tổ chức nhiều chuyến đi dài có, ngắn có. Thông thường, cuối tuần họ lại cùng nhau đạp xe lòng vòng quanh Hà Nội, hoặc đi ra các vùng ngoại thành. Những chuyến đi ngắn này phù hợp với những thành viên có gia đình và những bạn sinh viên. Đặc biệt, cứ mỗi tháng một lần, eMông lại tổ chức một chuyến đi dài (nghỉ qua đêm), để thăm thú những vùng đất mới. Hiện, eMông đã tổ chức nhiều chuyến đi dài hết sức thành công, trong đó có những chuyến dài 5 ngày, 4 đêm như Huế-Hải Vân-Đà Nẵng-Hội An, Sa Pa, Mai Châu-Mường Lát, Mã Pì Lèng (cao nguyên đá Đồng Văn-Mèo Vạc, Hà Giang), Tây Yên Tử… Theo lời Long, ở thời điểm hiện tại, emong.org thu hút hơn 2.000 thành viên trong và ngoài nước. Tuy nhiên, mỗi chuyến đi chỉ từ 10-20 người, trong đó có cả người nước ngoài (Kato-Nhật Bản; Frank Muller-Đức, Brian-Mỹ) khi biết đến nhóm cũng đăng ký tham gia khi có điều kiện.


(Năm 2012, eMông tổ chức những chuyến khám phá vẻ đẹp văn hóa dọc sông Hồng. Ảnh: Casper_HN)

Xe đạp tìm văn hóa Khi nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ, cả Ban quản trị của eMông kể cho tôi nghe về chuyến đi mới đây lên Háng Tề Chơ (Yên Bái). Chuyến đi này đã thực sự đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho các thành viên của nhóm khi họ đi qua đèo Yên Ngựa trong đêm tối giơ tay không nhìn thấy, đèn pin thì hỏng trong khi trên đường là những cung đường cua tay áo. Trên đèo không có nhà dân, may mắn, họ đã gặp và phải xin ngủ nhờ một đơn vị nuôi cá tầm để sáng hôm sau băng đèo cho an toàn. “Nếu không xin ngủ nhờ, có lẽ chúng tôi phải dừng lại, tìm củi đốt sưởi, ôm nhau cho khỏi rét đợi sáng mới dám đổ đèo,” anh Long nhớ lại. Bên cạnh đó, trong mỗi chuyến đi, những thành viên của eMông lại gắn kết với nhau hơn. Đoàn Trang, một thành viên thường xuyên tham gia những chuyến đi cho biết, càng trong những lúc khó khăn như bê vác xe qua suối, qua đường lầy lội, cả nhóm lại gắn kết với nhau thành một khối. “Đó là những việc rất bình dị, nhưng trong lúc bình thường, không dễ chúng ta nhận ra điều ấy từ những người bạn,” Trang xúc động chia sẻ. Theo các thành viên Ban quản trị eMông, thông thường họ xây dựng một kế hoạch đi du lịch cho… cả năm. Trong năm Nhâm Thìn, eMông sẽ làm một loạt các chuyến đi có tên là “Bản giao hưởng sông Hồng" - bắt đầu từ nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt và kết thúc ở cửa biển. Hoàng Long bảo, những chuyến du ngoạn của nhóm bao giờ cũng kết hợp giữa việc ngắm cảnh và khám phá văn hóa của từng vùng miền. Những lần rong ruổi lên vùng cao, họ xin ngủ lại nhà dân để tìm hiểu thêm về cuộc sống cũng như tập quán của người đồng bào dân tộc. Với việc đi dọc sông Hồng, eMông hy vọng sẽ thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Bởi, đây cũng sẽ là cơ hội để các em “thực mục sở thị” những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Cũng trong 2012, eMông sẽ có một chuyến đi khám phá vùng đất Nam Bộ, chinh phục Fansipan… Năm hết, anh Long thay mặt Ban quản trị eMông tặng tôi cuốn lịch treo tường – trên mỗi tờ lịch đều in hình ảnh của những cung đường mà eMông đã qua trong năm. Và, anh bảo đang ấp ủ để cuối năm Nhâm Thìn có thể cho ra một ấn phẩm khác công phu hơn, đó có thể là một cuốn sách ảnh, hoặc một triển lãm nho nhỏ… Nhìn thấy sự hăm hở của những thành viên eMông, tôi ước mình có đủ thời gian để được nhấn pê-đan, tham dự cùng họ trên một vài cung đường để được tận hưởng cái cảm giác khám phá những vùng đất, những miền văn hóa mới./.
Theo anh Long, để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi dài, các thành viên của eMông đều phải luyện thể lực bằng những chuyến đi ngắn như Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn… Bên cạnh đó, họ đều tự đóng tiền mua bảo hiểm du lịch, mũ bảo hiểm…

Ngoài ra, vật dụng mang theo cần thiết là ba lô quần áo nhẹ, túi ngủ, máy ảnh, đồ ăn nhanh, dụng cụ sửa xe (bơm, móc lốp, miếng vá), GPS... Trung bình, chi phí cho mỗi chuyến đi 3 ngày 2 đêm khoảng 700.000 đồng.

Đặc biệt, họ còn mang theo cả những thiết bị kết nối Internet để có thể “update”những thông tin, hình ảnh trên đường đi vào diễn đàn www.eMong.org để các thành viên ở nhà theo dõi.
Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục