Thơ đang là sản phẩm không có kiểm định chất lượng

Trước thềm Đại hội chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam sẽ diễn ra vào sáng mai, 6/8, chia sẻ về tình hình thơ hiện nay, nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ-Hội Nhà văn Việt Nam thẳng thắn: "Chỉ có thể cấm in thơ phản động, thơ trái với thuần phong mỹ tục chứ Nhà nước không cấm in thơ dở. Không có luật nào quy định như thế." " Chưa bao giờ thơ in nhiều thế nhưng lại thiếu thơ để nhớ. Chưa bao giờ độc giả thơ lại khát thơ hay như bây giờ. Kém phẩm chất vì không có màng lọc. Thơ thành thứ sản phẩm không có kiểm định chất lượng..." ông Phương ngao ngán.
Trước thềm Đại hội chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, Phóng viên Vietnam+ đã trao đổi cùng với Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ- Hội Nhà văn Việt Nam về tình hình thơ Việt những năm qua và các vấn đề nóng cần bàn từ đại hội lần này.

Thơ in nhiều nhưng không có thơ để nhớ


- Thưa Nhà thơ Vũ Quần Phương, đã có những ý kiến đánh giá là tình hình thơ ca nước nhà đang đi xuống, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Thơ- Hội Nhà văn Việt Nam, ông có nhận xét gì?

Nhà thơ Vũ Quần Phương:  Nói về thơ mà bảo rằng đi xuống đi lên sẽ rất khó chính xác. Có thể nói ngắn gọn thế này: Thơ phát triển về mặt số lượng nhưng sự phát triển về chất lượng không được chú trọng lắm. Chưa bao giờ thơ in nhiều thế nhưng lại thiếu thơ để nhớ. Chưa bao giờ độc giả thơ lại khát thơ hay như bây giờ. Kém phẩm chất vì không có màng lọc. Thơ thành thứ sản phẩm không có kiểm định chất lượng.

- Vậy theo ông thì phải làm sao để có thể nâng chất lượng để không mất dần độc giả thơ nói riêng và văn chương nói chung?

Nhà thơ Vũ Quần Phương:  Việc này đến lúc phải giải quyết rồi. Lãng phí giấy, lãng phí xã hội. Nhất là lãng phí thời gian của bạn đọc. Cần phải kén thơ hay mới in dù làm thế phải “bù giá”. Tiền đầu tư sáng tác của Hội có thể lấy ra để bù. Làm vậy, có cái lợi là đầu tư vào sản phẩm đã có.

Chỉ có thể cấm in thơ phản động, thơ trái với thuần phong mỹ tục chứ Nhà nước không cấm in thơ dở. Không có luật nào quy định như thế. Vì thế cần có hội đồng chuyên môn để tuyển chọn tác phẩm hay mới in.

Chúng ta nên bù giá vào tủ sách đặc biệt này. Có thể gọi là Tủ sách Văn chương Việt Nam. Hội Nhà văn nên giao cho chính Nhà xuất bản Hội Nhà văn làm. Vì chỉ in sách có giá trị văn học nên được in ở tủ sách này coi như được giải thưởng. Mỗi năm chọn tác phẩm hay chỉ cần dựa vào tủ sách ấy. Chứ trên hàng nghìn tập thơ in ồ ạt, thì đánh giá không thể xuể được.

Mới chỉ cách tân hình thức và tôn vinh cá nhân

- Ông có thể nói về sự đổi mới văn học trong 5 năm qua không và xin nêu một số nhà thơ trẻ tiêu biểu, thưa ông?

Nhà thơ Vũ Quần Phương:  Trong thời kỳ đổi mới vừa qua,có những người tự nhận là đổi mới, là cách tân. Nhưng hầu hết các tác phẩm của họ chỉ cách tân về hình thức. Vấn đề họ quan tâm và lí giải chưa đủ thuyết phục, sa đà vào sự tôn vinh chính mình.

Những  tác giả còn có công chúng kể cả già và trẻ lại là những người không đổi mới hình thức một cách thật quyết liệt như vậy nhưng lại có tầm nghĩ việc đời sâu sắc, mang tính phát hiện mà các giai đoạn trước chưa có.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra có thể thấy, đổi mới là nhu cầu với tất cả những người cầm bút. Có những người đổi mới một cách im lặng. Cho dù họ chủ yếu đổi mới về nội dung mà chưa đổi mới nhiều về hình thức.

Nếu hỏi tôi về tên tuổi, thì phải có các bài tiểu luận thuyết phục để nói từng trường hợp, chứ không thể tiện là đưa ngay ra vài tên tuổi nào đó. Nhưng thực tế, ở thơ chưa rõ người nổi bật lên như trong văn xuôi. Ví dụ như trường hợp của Nguyễn Thị Ngọc Tư. Trong thơ chưa có một Nguyễn Thị Ngọc Tư.

- Có một số vấn đề  xung quanh các cây bút thuộc xu hướng đổi mới, ông nhận xét thế nào?

Một số người đổi mới chưa khẳng định  mình là vì họ chưa đủ tài năng để thuyết phục. Mặt khác, về mặt nhân cách nghệ sĩ họ còn khiếm khuyết nào đó. Biết rằng người có tài dễ có tật nhưng cái tài chưa đủ thì cái tật sẽ rất khó bỏ qua.
 
Bên cạnh đó, còn có chuyện: Từ ủng hộ khuynh hướng sáng tác lại chuyển thành bè phái. Theo cách  gọi dân dã bây giờ là cùng “cạ.”  Mà đã là “cạ” của mình thì hay dở đều khen và nếu không phải “cạ” thì luôn chê. Như vậy, đâu còn khách quan, đâu còn tính văn học nữa! Dần dần mất lòng tin của độc giả.

Chuyện đời không chạm đến xúc giác nhà văn thì văn chương chỉ là giả hiệu

- Ông có thể nêu đôi điều là nghịch lý trong văn chương hiện nay?


Nhà thơ Vũ Quần Phương:  Văn chương nó là sự gãi ngứa. Người đọc ngứa chỗ nọ “bác” lại cứ gãi ở chỗ kia nên không hết ngứa, mà có khi chỉ gây bực mình.

Ngày xưa nhiều người biết "Truyện Kiều" mà không biết đó là của Nguyễn Du, ngày nay có nhiều người biết tên nhà thơ nhưng lại không biết tác phẩm của họ. Đấy là thành tựu của kỹ nghệ quảng cáo không phải thành tựu của thơ.

Nếu cần phải đưa ra ví dụ, ví dụ thôi, thì tôi thấy Lê Thiếu Nhơn, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh có bút pháp riêng. Còn về nội dung thì dường như vẫn chưa đến độ, đến đáy. Gần đây có Nguyễn Phan Quế Mai, mới đến tập thơ thứ hai. Tôi nhận thấy bút pháp và nội dung đều chững chạc, khá hài hòa. Những người này cho thấy họ có thể đi tiếp với văn chương.

- Đại hội lần này cá nhân ông có cảm xúc gì?

Nhà thơ Vũ Quần Phương:  70 tuổi rồi. Hồi tết, lần đầu được mời dự hội cao tuổi, được nhận bằng mừng thọ, thấy ghi mừng "cụ Vũ Quần Phương". Sững sờ, sống đùa đùa vậy mà đã qua gần hết đời người. Lên cụ, mình còn không hình dung nổi ra mình ấy chứ. Thế nên, Đại hội lần này vui vì gặp bạn bè và cũng có tí ngậm ngùi vì thấy mình đã ở bên lề để các bạn tiến lên.

- Xin ông nêu vài vấn đề nổi cộm mà ông thấy nên đưa ra bàn?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thứ nhất là làm thế nào để các nhà văn gắn bó với đời sống. Các nhà văn phải đến hiện trường mà chứng kiến chứ cứ chờ đọc trên báo thì không thấu hiểu được đời đâu. Chuyện đời phải đụng đến xúc giác của nhà văn, phải thấy nó nóng lạnh trên da thịt nhà văn. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ có thứ văn chương giả hiệu thôi.

Cũng cần phải hiểu sâu khái niệm “hướng nội” và “hướng ngoại”. Không phải cứ hướng vào đời sống riêng tư của mình thì đã là hướng nội. Cái “nội” của mình vẫn phải xuất phát từ cuộc đời. Cuộc đời đụng vào trái tim thì thành hướng nội. Nguyễn Du viết Kiều vì nỗi đau của Kiều đã đụng vào lòng ông, thành nỗi đau của ông:  "Giật mình mình lại thương mình xót xa..."

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục