Gần 70 triệu người phải "tị nạn" ngay ở quê hương

Thống kê của LHQ cho thấy khoảng 67 triệu người, chiếm hơn 1% dân số thế giới, đang phải sống tị nạn ngay trên quê hương của họ.
Ngày 30/11, Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thành lập quỹ trị giá 7,1 tỷ USD trợ giúp các nạn nhân của bạo lực, xung đột vũ trang, thảm họa thiên tai và các nguyên nhân khác trên toàn thế giới trong năm 2010, trong đó dành 1 tỷ USD cho những người tị nạn Sudan ngay trên chính quê hương họ.

Các số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 67 triệu người, chiếm hơn 1% dân số thế giới, đang phải sống tị nạn ngay trên quê hương của họ (Internally displaced person - IDP) do xung đột vũ trang và bạo lực, thảm họa thiên nhiên, quá trình phát triển, đô thị hóa và các nguyên nhân khác.

Mỗi năm, có tới 50 triệu IDP là nạn nhân của thiên tai và năm 2007 có tới 26 triệu IDP là nạn nhân của bạo lực và các cuộc xung đột vũ trang ở ít nhất 52 nước, cao nhất kể từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước.

Cứ mỗi giờ lại có thêm 100 người trên thế giới trở thành IDP và châu Phi chiếm tới hơn một nửa trong tổng số IDP trên toàn cầu hiện nay.

Theo đánh giá của các cơ quan cứu trợ Liên hợp quốc (như Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc - FAO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc - UNICEF, Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP, Chương trình Lương thực thế giới - WFP...), mặc dù cộng đồng quốc tế ngày càng chú ý đến tình cảnh của các IDP, nhưng vẫn chưa có sự đột phá nào trong thập kỷ qua nhằm giảm số lượng IDP và cải thiện điều kiện sống của họ.

Cũng theo đánh giá trên thì các IDP không được tiếp cận các dịch vụ tối thiểu về giáo dục, y tế, lương thực, nhà ở và cuộc sống bình thường trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ phải "tị nạn" ngay chính trên quê hương mình, bị phân biệt đối xử và phải sống chật vật.

Các IDP là nạn nhân của thảm họa thiên tai tăng chưa từng thấy trong vài năm qua do các vụ thảm họa thiên tai lớn đã tăng gấp 4 trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Chỉ riêng trận bão Nagis đã tác động đến 2,4 triệu người Myanmar hay động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã tác động đến 15 triệu người.

Liên hợp quốc cũng cảnh báo các nước nghèo nhất ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đang trở thành nạn nhân của bạo lực, xung đột vũ trang và thiên tai lớn nhất do biến đổi khí hậu.

Mười năm sau khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Các nguyên tắc hướng dẫn về IDP, nhiều công việc đã được hoàn thành để đảm bảo tăng cường các hành động chính trị, nhân đạo và bảo vệ các IDP.

Vấn đề IDP đang trở thành vấn đề nhân đạo hàng đầu của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục