Kiểm soát độc quyền, thao túng tổ chức tín dụng

Các đại biểu Quốc hội nhất trí cần thiết sửa Luật các tổ chức tín dụng để phù hợp với tình hình mới, quản lý an toàn các tổ chức tín dụng.
Chiều 16/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại hội trường, cho ý kiến vào Dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng để phù hợp với các yêu cầu mới sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như yêu cầu nâng cao khả năng quản lý an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Góp ý vào dự Luật, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, Dự luật có nhiều điểm mới, sát với yêu cầu thực tế, tiến dần với yêu cầu hội nhập. Những tiến bộ được thể hiện trong Dự luật tạo cơ sở thông thoáng hơn cho hoạt động thương mại, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, theo đại biểu Kiêm, các quy định của Dự luật vẫn còn hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các ngân hàng, tổ chức tài chính. Bên cạnh đó, Luật cần được xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết hơn nữa, giảm thiểu nhiều quy định phải chờ hướng dẫn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm tán thành với quan điểm Luật các tổ chức tín dụng chỉ điều chỉnh những định chế hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng, các ngân hàng, còn các các định chế hoạt động phi ngân hàng dùng luật khác điều chỉnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) có ý kiến đề nghị Dự luật cần có những quy định chặt chẽ trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm soát đặc biệt, nhất là các vấn đề liên quan đến quy định công khai thông tin. Các điều khoản quy định về lãi suất cần được xây dựng cụ thể, hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động các tòa án trong hoạt động xét xử các tranh chấp dân sự liên quan đến lãi suất.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị nên quy định tổ chức tín dụng gửi danh sách nhân sự xin Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn trước khi bầu, việc bầu ai do hội đồng cổ đông lựa chọn theo các quy định của pháp luật.

Cũng theo đại biểu Trừng, tỷ lệ sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng giới hạn của cá nhân là 5%, của tổ chức là 10% so với số vốn điều lệ là quá thấp so với thực tiễn ở các tổ chức tín dụng quốc tế (20% đối với cá nhân và 30% với tổ chức).

Cùng chung ý kiến này, đại biểu Phạm Thị Loan đề nghị cần mở rộng giới hạn sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức trong các tổ chức tín dụng. Nên giữ ở mức hiện hành là 10% đối với cá nhân và 20% đối với tổ chức, thậm chí có thể nới rộng biên độ giới hạn đối với tổ chức lên 30%, nhằm khuyến khích huy động vốn của các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư chiến lược.

Quan tâm đến hoạt động của các hợp tác xã tín dụng, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho rằng nội dung liên quan đến tín dụng hợp tác xã còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Thẻo đại biểu Quân, quy định của Dự thảo chưa mở rộng quyền hoạt động của các tổ chức tín dụng hợp tác xã. Cần xây dựng Dự luật theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hợp tác xã đủ quyền hoạt động bình đẳng với các loại hình hoạt động tín dụng khác, góp phần phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã.

Tổng kết ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, hoạt động của các tổ chức tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực hoạt động kinh doanh có điều kiện, có tác động lớn đến xã hội nhưng mang tính rủi ro cao, vì thế Luật phải thể hiện tính quản lý của nhà nước trong việc quy định rõ về quy trình thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Các đại biểu nhất trí với quan điểm cần có quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ trong Luật; cần nghiên cứu về giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức, cá nhân đầu tư vào tổ chức tín dụng để vừa kiểm soát hoạt động thao túng của các cá nhân, tổ chức đối với hoạt động của tổ chức tín dụng, nhưng vẫn khuyến khích được những nhà đầu tư chiến lược, đảm bảo hoạt động an toàn, phát triển bền vững.

Dự án Luật được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa, tính năng động, linh hoạt trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng hiện đại; đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định của Luật các tổ chức tín dung và các luật khác.

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng gồm 10 chương, 164 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc mở, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài và của tổ chức nước ngoài khác hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục