Chinh phục World Expo 2010 bằng 5 vạn cây tre

Với 5 vạn cây tre, Võ Trọng Nghĩa đã biến một nhà kho thành công trình kiến trúc độc đáo thể hiện bản sắc Việt Nam ở World Expo.
Tại Hội chợ Triển lãm thế giới 2010 (World Expo 2010) đang diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) từ 1/5 đến 31/10, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa của Việt Nam đã làm mọi người “ngỡ ngàng” khi biến một nhà kho rộng khoảng hơn 1.000m2 thành một công trình kiến trúc tiêu biểu của Việt Nam.

Biến nhà kho bằng sắt thành công trình độc đáo

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng với những cộng sự của mình được Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thuê thiết kế Pavilion Việt Nam (tạm dịch là Nhà triển lãm Việt Nam) với hai mục tiêu là vừa gây ấn tượng bằng bản sắc riêng của mình tại World Expo 2010, vừa tiết kiệm chi phí.

Là kiến trúc sư nổi tiếng với các thiết kế bằng tre và tầm vông độc đáo, mang đậm tính giao hòa giữa con người và thiên nhiên và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế với vật liệu tre nhưng chính anh đã rất “nản” và lúng túng khi tiếp nhận mặt bằng để thi công.

“Mặt bằng mà ban tổ chức bàn giao cho tôi là một nhà kho bằng sắt rộng trên dưới 1.000m2. Khi nhìn thấy nó, tôi đã rất thất vọng!” - anh kể lại.

Tuy nhiên, với kiến thức và tay nghề học được từ các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, anh đã cùng với cộng sự của mình làm nên một Nhà triển lãm Việt Nam (Vietnam Pavilion) mang đậm văn hóa tiêu biểu của Việt Nam ngay bên sông Hoàng Phố.

Có một điều khá thú vị mà kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cho hay là Pavilion Việt Nam nằm giữa Pavilion Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu như 2 Pavilion của “hai người hàng xóm” được đầu tư tới 40 đến 60 triệu USD thì Vietnam Pavilion chỉ được đầu tư rất khiêm tốn.

Như vậy, có thể nói, Võ Trọng Nghĩa đã đáp ứng được “đầu bài thứ nhất” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho là ít tốn kém nhất!

Bên cạnh việc đó, anh cũng đã giải được bài toán thứ 2 mà Bộ đề ra là Vietnam Pavilion phải “ấn tượng bằng bản sắc riêng của mình” khi xuất sắc “kể lại bằng ngôn ngữ kiến trúc riêng biệt” mang chủ đề: “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.”

Theo đó, ý tưởng chính được Võ Trọng Nghĩa đưa ra là bao phủ toàn bộ công trình bằng tre để làm biến mất nhà kho bằng thép (ngang 18m, dài 50m, cao 9m) với trên dưới khoảng 5 vạn cây tre do ban tổ chức cung cấp.

Anh lý giải, vật liệu tre được chọn với các lý do: Tre là vật liệu sinh thái; Tre là vật liệu truyền thống và hiện đại; Tre là nguyên liệu tái sử dụng. Ngoài ra, tre có thể thay thế các vật liệu không phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường như thép, sắt, gỗ.

Anh đã vượt qua được hai yêu cầu của ban tổ chức đưa ra, một là phải làm sao để chất liệu khó cháy nhất, thứ nữa là tất cả số lượng tre sử dụng cho công trình sẽ được tháo dỡ và tái sử dụng cho công trình phúc lợi khác sau 6 tháng triển lãm.

Một thế giới thơ mộng trong Vietnam Pavilion

Vietnam Pavilion nằm ở khu A (gồm Trung Quốc, các tỉnh Trung Quốc và một số nước châu Á như Việt Nam, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Pakistan, Arập Xêút v.v..) trong Vườn Triển lãm Thế giới do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cùng cộng sự thiết kế có hình dáng bên ngoài là hình vuông.

Kết cấu bên trong, các cột tre và vòm tre tạo các bước chuyển tiếp giữa nhiều không gian trưng bày khác nhau.

Tường bên ngoài nhà triển lãm giống như một con sông, vật liệu tre được xếp theo hình sóng biển nhằm giảm bớt sức nóng của mặt trời. Tre cũng là vật liệu chủ đạo để thiết kế nội thất: bàn, ghế, giá, tủ trưng bày, mành, rèm, đàn k’long pút, đàn t’rưng, sáo... đều là tre và gắn với tre.

Nhìn bề ngoài hay vào bên trong Nhà triển lãm Việt Nam, người xem luôn được đối diện với hình ảnh thiên nhiên trong lành, mát rượi và gần gũi khiến du khách cảm thấy như tách khỏi môi trường ồn ào náo nhiệt của đô thị, tận hưởng phong cảnh làng quê, chiêm ngưỡng phong cảnh non xanh nước biếc rất thơ mộng của Việt Nam.

Trở về từ sự kiện hoành tráng nhất nhì hành tinh này, Võ Trọng Nghĩa tâm sự: “Mình có quyền tự hào với Việt Nam Pavilion vì World Expo 2010 không phải là hội chợ thương mại mà là triển lãm về văn hóa, văn minh. Với tất cả những gì thuộc về văn hóa, văn minh đặc trưng nhất của Việt Nam được tương tác với nhau trong ngôi nhà này, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của đất nước Việt Nam trong quá khứ cũng như sự phát triển đô thị song hành với ý thức bảo vệ môi trường ở hiện tại và tương lai...”/.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục