IMF sẵn sàng gia tăng tài chính để cứu trợ châu Âu

Theo Tổng Giám đốc MF, thể chế tài chính quốc tế sẵn sàng mở rộng tín dụng cho các nền kinh tế châu Âu, nếu nhận được lời đề nghị.
Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, khẳng định thể chế tài chính quốc tế này sẽ giữ vai trò "hậu trường" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng euro (Eurozone), nhưng sẵn sàng mở rộng tín dụng cho các nền kinh tế châu Âu đang bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng, nếu nhận được lời đề nghị.

Khẳng định trên được Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tuyên bố tại Brazil, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các nước Nam Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho sự hợp tác rộng lớn hơn để giải quyết sự hỗn loạn tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, bà Lagarde cũng hối thúc châu Âu hành động nhanh để đưa ra giải pháp mang tính "tổng thể và tập thể" cho cuộc khủng hoảng nợ công và sự hỗn loạn tài chính. Châu Âu đang có nguy cơ rơi vào "một thập kỷ bị đánh cắp" tương tự như thập niên 80 của Thế kỷ trước ở Mỹ Latinh, khi các vụ vỡ nợ dây chuyền từ Brazil sang Mexico đã đẩy kinh tế của cả khu vực rơi vào trì trệ.

Bà Lagarde đã tận dụng cuộc trả lời phỏng vấn được kênh Globo News (Brazil) truyền hình trực tiếp để hối thúc châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công bằng "cải cách cơ cấu và củng cố tài chính."

Bà nói: "Những gì mà chúng tôi cần là sự củng cố tài chính một cách quyết đoán." Khi được hỏi tại sao IMF không hành động mạnh mẽ hơn để làm dịu bớt sự hỗn loạn ở châu Âu bằng cách mở rộng nguồn tín dụng khẩn cấp cho các nước Eurozone đang ngập trong nợ như Italy và Tây Ban Nha, bà Lagarde khẳng định IMF sẵn sàng hỗ trợ, nếu được các nước đề xuất.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang khẩn trương tìm giải pháp tổng thể để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống, thậm chí có nguy cơ đặt dấu chấm hết cho sự tồn vong của khối Eurozone.

Tuần qua các thị trường cổ phiếu và trái phiếu châu Âu đã phục hồi khá nhanh nhờ các động thái quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn ngân sách của chính phủ các nước Eurozone và sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Ngân hàng trung ương châu Âu./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục