Thanh niên chung tay giúp dân gượng dậy sau lũ

Những ngày này, trên khắp các nẻo đường còn bám đầy bùn đất của dải đất lam lũ miền Trung đều tràn ngập màu áo xanh tình nguyện.
Không chỉ giành giật lại sự sống của người dân từ tay tử thần hà bá trong lũ dữ, những đoàn viên thanh niên vùng lũ đang ngày đêm cùng người dân tích cực dọp dẹp để những vùng đất này hồi sinh...

Vạn bàn tay, một tấm lòng

Ngay từ đợt lũ thứ nhất, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã chia lực lượng thành hai hướng, một hướng cứu trợ cho dân và một hướng kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ.

Các đội thanh niên tình nguyện tại chỗ được thành lập, phối hợp cấp phát lương thực, thực phẩm cho bà con nhân dân ở những vùng bị chia cắt.

Thanh niên khu vực bị ảnh hưởng lũ nhẹ được tập hợp thành các đội tình nguyện chi viện về giúp đỡ nhân dân những vùng bị thiệt hại nặng nề khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định cuộc sống, đặc biệt là các trạm y tế, trường học để học sinh sớm được đến trường.

Trong những ngày mưa lũ quần nát mảnh đất sông Lam núi Ngự, hơn 55.000 lượt đoàn viên của tỉnh, chia làm 85 đội, đã đi khắp các ngả đường, vào từng ngõ ngách, bản làng để giúp dân. 425 ngôi trường đã được dọn bùn đất, 216 trạm y tế được làm vệ sinh và hơn 800 hộ dân được thanh niên giúp đỡ dựng nhà.

Ngay nơi rốn lũ xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, một đội thanh niên tình nguyện 50 người đã sử dụng ghe thuyền ứng cứu được 100 người dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lụt. Năm trăm đoàn viên đã về với bốn xã thiệt hại nặng nề nhất của huyện Đức Thọ là Đức Lạc, Đức Hòa, Đức Lạng và Liên Minh để nạo vét bùn đất, sửa chữa nhà ở, trường lớp.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn cũng đã tiếp nhận và phối hợp trao quà cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt với tổng số tiền là 6 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, Bí thư đoàn xã Đại Sơn (huyện Đô Lương) là Lê Ngọc Anh và xã đội trưởng Dương Xuân Thành đã suýt bị dòng nước cuốn trôi khi các anh cố hết sức mình để cứu hai học sinh đang chới với giữa dòng nước lũ. Trong lúc tuyệt vọng, Ngọc Anh chợt nhìn thấy một mô đất nhấp nhô giữa biển nước, anh rướn hết sức mình để đưa các em đến điểm cao ấy.

Cứu được các em ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng anh coi đó là việc hết sức bình thường nên ngay cả tên người vừa được mình mang lại sự sống, anh cũng quên không hỏi.

Hiện Tỉnh đoàn Nghệ An đang đề nghị Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khen tặng danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Ngọc Anh.

Không chỉ xả thân cứu dân trong lũ, với phương châm nước rút đến đâu, thanh niên có mặt ở đó, 200 đội với 6.500 tình nguyện viên của Nghệ An đã được thành lập để giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ.

Màu áo xanh tình nguyện hiện diện khắp các cánh đồng để cùng dân đắp bờ vùng bờ thửa, khai thông cống rãnh. Trong những ngôi làng bị lũ cào xé nham nhở, thanh niên hăm hở dựng lại nhà, đẩy bùn đất nhão nhoét ra khỏi các lớp học, xúc đất đá trả lại mặt bằng cho những con đường…

Sinh viên tạm gác lại giảng đường

Tham gia giúp dân ổn định cuộc sống sau lũ không chỉ có thanh niên các địa phương mà còn có các đoàn sinh viên tình nguyện của các đại học đóng trên địa bàn.

Quyên góp được 30 triệu đồng, Đoàn Trường Đại học Vinh đã mua lương thực, thực phẩm, chăn màn gửi tới nhân dân hai huyện bị thiệt hại nặng nề nhất của Hà Tĩnh là Hương Khê và Vũ Quang. Đội Công tác xã hội số 3, Chi bộ Sinh viên khoa Công nghệ thông tin tổ chức quyên góp áo quần, sách vở, dụng cụ học tập tặng học sinh vùng lũ.

“Sinh viên không khá giả về vật chất, chúng tôi không giàu vật lực nhưng sẵn sàng đóng góp nhân lực để cùng người dân tái thiết cuộc sống,” Bí thư Đoàn Trường Đại học Vinh Nguyễn Hồng Soa chia sẻ.

Với tinh thần đó, 7 đội sinh viên tình nguyện của Trường được thành lập và nhanh chóng tỏa đi các địa phương để giúp dân. Mặc dù là một Trường thuộc địa phận tỉnh Nghệ An nhưng sinh viên Đại học Vinh đã phân bổ 3 đội trong tổng số 7 đội tình nguyện sang cứu trợ đồng bào Hà Tĩnh.

Cụ thể, đội sinh viên tình nguyện số 1 tổ chức lao động giúp dân tại xã Nghi Đồng (huyện Nghi Lộc); đội sinh viên tình nguyện số 2 giúp dân tại huyện Nam Đàn; đội số 3 và số 4 giúp dân tại huyện Hưng Nguyên của Nghệ An.

Cả ba đội số 5, 6, 7 được cử sang Hà Tĩnh đều tập trung cứu trợ cho huyện Vũ Quang, nơi được coi là lòng chảo của trận lũ vừa qua tại Hà Tĩnh.

“Trong thời gian tới, các đội sinh viên tình nguyện của nhà trường sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân khi có các kế hoạch phối hợp với Đoàn Thanh niên các huyện thị,” anh Soa chia sẻ.

Đại học Y khoa Vinh vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập ngày 13/10, nâng cấp từ Cao đẳng Y tế Nghệ An, đúng khi Nghệ An đang chìm trong biển nước. Mặc dù có sự chuyển đổi về cơ cấu nhưng Trường đã nhanh chóng thành lập đội tình nguyện xuống các địa phương khám bệnh và cấp phát thuốc cho đồng bào vùng lũ.

Hoạt động này của Đại học Y khoa Vinh đã hỗ trợ rất kịp thời cho người dân khi sau những ngày chống chọi với mưa bão, rác ở nhiều nơi dồn về, xác động vật hôi thối, môi trường ô nhiễm trọng, đã khiến nhiều người dân bị đau mắt đỏ, cảm cúm và các bệnh viêm nhiễm ngoài da.

Tinh thần thiện nguyện đã kéo mọi người lại gần nhau hơn. Sinh viên Đại học Vinh, Đại học Y khoa cùng chung tay với sinh viên Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ Thuật, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Nghệ An và thanh niên tình nguyện địa phương ra quân nạo vét bùn đất, dọn vệ sinh cảnh quan tại nhiều trường học huyện Hưng Nguyên.

Tại Hà Tĩnh, sinh viên Đại học Vinh, Đại học Hà Tĩnh, học sinh Trường Trung cấp nghề Việt - Nhật, Ban thanh niên Công An tỉnh, Cảnh sát cơ động của Bộ Công an, lực lượng vũ trang Quân khu 4… tập trung làm vệ sinh môi trường tại các trường học, trạm y tế, công sở, khu vực chợ Bộng của huyện Vũ Quang.

Theo chị Chu Thanh Hoài, Ban Tuyên giáo Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, sắp tới, Hà Tĩnh sẽ đón thêm lực lượng tình nguyện của Hành trình xanh của sinh viên Hà Tĩnh tại Hà Nội, đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Vinh về giúp đỡ nhân dân tại huyện Can Lộc và Nghi Xuân./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục