Thủ tướng Tây Ban Nha chưa tính đến xin cứu trợ

Ông Mariano Rajoy gần như bác bỏ phương án xin cứu viện trong năm 2012, nhưng sẽ làm việc này nếu chi phí vay mượn vẫn ở mức cao.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy gần như bác bỏ phương án xin cứu viện trong năm 2012, nhưng tuyên bố sẽ làm việc này nếu chi phí vay mượn của Madrid vẫn "bám trụ" ở mức cao.

Ông Rajoy đã khiến các thị trường trên thế giới băn khoăn không biết nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có xin cứu viện hay không. Nếu kịch bản này xảy ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua trái phiếu của Tây Ban Nha để hạ chi phí huy động tiền vay của Madrid.

Tuy nhiên, vị Thủ tướng này đã đánh đi tín hiệu rõ ràng khi khẳng định ông không thấy có lý do gì để xin cứu trợ trong năm nay.

Ông Rajoy cho biết, Tây Ban Nha đã gần hoàn tất các đợt phát hành trái phiếu để trang trải cho hoạt động của chính phủ tới hết năm 2012. Ngày 23/10 vừa qua, Tây Ban Nha đã huy động 85,9 tỷ euro (110 tỷ USD) qua đợt bán trái phiếu trung và dài hạn - tức đạt 95,1% mục tiêu của năm 2012.

Chi phí đi vay của Tây Ban Nha đã hạ nhiệt sau khi ECB hồi tháng 9/2012 lên kế hoạch mua lại không hạn chế trái phiếu của các chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính, nếu các nước này chấp nhận các điều kiện nghiêm ngặt của Eurozone.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã giảm từ mức hơn 7% hồi giữa mùa Hè vừa qua xuống xấp xỉ 5,7%. Nhà đầu tư khi nắm giữ trái phiếu Tây Ban Nha đã yêu cầu thêm khoản phí rủi ro chênh tới 4,24 điểm phần trăm so với trái phiếu có độ an toàn cao của Đức.

Ông Rajoy đã đảo ngược những hứa hẹn khi tranh cử bằng việc tăng thuế doanh thu để kiềm chế thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, ông hy vọng sẽ giảm thuế vào năm 2014, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Trong một diễn biến có liên quan, nhằm triển khai các nguồn lực của Ngân hàng Thế giới (WB) cho các nền kinh tế phát triển, WB đã thảo luận việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Hy Lạp và Bồ Đào Nha - hai quốc gia đang phải vật lộn với "bão" nợ công.

Theo người phát ngôn WB Frederick Jones, đối với Hy Lạp, nội dung thảo luận xoay quanh chương trình cải cách môi trường kinh doanh giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán với Bồ Đào Nha hiện đang trong giai đoạn đầu. Hiện cả Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều đang phải thực hiện các cuộc cải cách tài chính và cơ cấu sâu sắc - điều kiện để nhận các gói cứu trợ của"bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục