Trái phiếu châu Âu sắp bước vào năm nhiều bất ổn

Các nhà phân tích nhận định thị trường trái phiếu châu Âu sắp bước vào năm 2011 với nhiều bất ổn, do giới đầu tư phải tìm hướng đi.
Nhiều nhà phân tích nhận định thị trường trái phiếu châu Âu sắp bước vào năm 2011 với nhiều bất ổn khác, do giới đầu tư phải mò mẫm tìm hướng đi trong bối cảnh sự hồi phục của kinh tế Mỹ còn chưa chắc chắn và khủng hoảng nợ vẫn "treo lơ lửng" tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo nhà chiến lược về trái phiếu thuộc Ngân hàng BNP Paribas, Patrick Jacq, trong năm 2010, trái phiếu châu Âu lần đầu tiên đánh mất đi một số sức hấp dẫn của nó về quyền chọn mua khi nhiều nhà đầu tư tạm xa rời thị trường này.

Tuy nhiên, trái phiếu của Đức và Pháp là hai ngoại lệ. Dù lãi suất trái phiếu ở đây giảm xuống mức thấp nhất, nhưng các nhà đầu tư vẫn không ngại ngần mua vào làm "nơi trú ẩn" vì nỗi lo kinh tế Mỹ gặp sự cố.

Tình hình thị trường trái phiếu ảm đạm nhất phải kể đến ở Hy Lạp và Ireland - hai nước đang chìm trong tình trạng thâm hụt ngân sách và khủng hoảng nợ. Cả hai nước này đã phải nhận cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Giới phân tích nhìn nhận rằng các nhà chức trách châu Âu đã hành động chậm trễ trong việc đối phó với khủng hoảng nợ Hy Lạp và để nó lan rộng, nhất là khi các ngân hàng đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu nợ của Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - những mắt xích yếu trong hệ thống tài chính của Eurozone.

Tuy nhiên, lãnh đạo châu Âu đã nhanh tay hơn trong cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Ireland khi xác định Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể cần tới cứu trợ của khu vực.

Các nhà phân tích cảnh báo những khó khăn tài chính của Eurozone có thể vẫn tiếp diễn, cho dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ tháng 5/2010 đã nỗ lực bình ổn thị trường bằng cách mua lại trái phiếu, do các nước gặp khó khăn trong khu vực phát hành. Tuy nhiên, vấn đề này có thể nổi cộm trở lại nếu các nước trên tiếp tục tăng vốn trên thị trường.

Chính vì vậy, trong năm tới, các nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi hoạt động vay nợ dài hạn của Tây Ban Nha cũng như động thái từ Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF)./.

Trang Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục