Sông Năng vẫn bị đục ngầu vì nạn khai thác vàng

Sông Năng thuộc địa phận xã An Thắng (Pác Nặm-Bắc Kạn) vẫn đục ngầu trên nhiều cây số do "vàng tặc" đổ trực tiếp bùn đất cát... ra sông.
Lãnh đạo hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đã họp bàn giải pháp cùng giải quyết nạn khai thác vàng trái phép trên sông Năng thuộc xã An Thắng (Pác Nặm-Bắc Kạn), nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép dọc sông Năng vẫn diễn ra ở nhiều điểm giáp ranh hai tỉnh.

Qua khảo sát, vào thời điểm 10 giờ ngày 10/5, nước sông Năng vẫn đục ngầu trên nhiều cây số. Khi lội qua sông về, nhiều người bị ngứa. Có khả năng nước sông bị nhiễm chất xyanua kali, thủy ngân... mà cánh “vàng tặc” dùng để tách vàng ra khỏi quặng.

Khu vực sông Năng giáp ranh giữa xã An Thắng (Bắc Kạn) và huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có 4 nhóm (khoảng 100 người) chủ yếu là quê Nam Định hoạt động khai thác vàng trái phép trên đất Nguyên Bình.

Những người này dùng máy bơm công suất lớn hút nước với đất đá, cát sỏi xả qua máng chớp để lọc vàng, toàn bộ bùn đất, cát... đổ trực tiếp ra sông Năng gây ô nhiễm môi trường nước.

Tại khu vực giáp ranh giữa xã Bằng Thành và xã Sơn Lộ (Bảo Lạc, Cao Bằng), đoạn sông Năng chảy qua ngay sau Ủy ban nhân dân xã Sơn Lộ cũng có một tổ khai thác vàng quy mô lớn với máy xúc, giàn tuyển..., không chỉ làm ô nhiễm môi trường, dòng chảy sông Năng mà còn gây cả tiếng ồn trên diện rộng.

Sông Năng tại khu vực này bị máy xúc đào bới, ngăn dòng, chia cắt dòng chảy thành các nhánh, các hố... gây nguy cơ xói lở, cạn kiệt nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu.

Phía huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã xử lý dứt điểm các điểm khai thác vàng trái phép và đã có đề nghị phía tỉnh Cao Bằng sớm ngăn chặn, xử lý, nhưng tình trạng khai khoáng trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Pác Nặm, tổ trưởng tổ liên ngành chống khai thác khoáng sản trái phép của huyện Pác Nặm, cho biết việc khai thác vàng ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh diễn ra đã lâu và thường bùng phát với quy mô khai thác lớn nếu chính quyền không quyết liệt ngăn chặn.

Theo ông Dũng, để làm tốt việc ngăn chặn “vàng tặc,” tổ công tác liên ngành phải được phép lập biên bản vi phạm hành chính đối với tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm, không phân biệt hành vi vi phạm trên đơn vị hành chính tỉnh nào; nếu vi phạm thực hiện trên đơn vị hành chính tỉnh nào thì tổ công tác chuyển hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương đó giải quyết./.

Nguyễn Trình (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục