Suy thoái nguồn tài nguyên từ áp lực phát triển

Áp lực phát triển đang làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên vùng Trung Trường Sơn  - đó là đánh giá của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học-Tổng cục Môi trường thông qua Chương trình trọng điểm và Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, về tổ chức điều tra, khảo sát quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Đây là các địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học phong phú thuộc khu vực Trung Trường Sơn.
Áp lực phát triển đang làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên vùng Trung Trường Sơn  - đó là đánh giá của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học-Tổng cục Môi trường thông qua Chương trình trọng điểm và Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, về tổ chức điều tra, khảo sát quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Đây là các địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học phong phú thuộc khu vực Trung Trường Sơn.

Các hoạt động kinh tế-xã hội tại Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế trong 50 năm qua như phát triển thủy điện, mở rộng diện tích cây caosu, khai khoáng và săn bắt động vật, cháy rừng... đã và đang gây áp lực rất lớn đối với diện tích rừng thuộc Dự án Sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học nơi đây.

Đặc biệt, hiện ở ba địa phương có tới 86 nhà máy thủy điện với tổng công suất 1.949 MW. Hầu hết hệ thống thủy điện đều nằm tại các huyện miền núi, nơi tập trung các loại rừng phòng hộ hoặc khu bảo tồn thiên nhiên.

Các công trình xây dựng đập thủy điện dẫn tới mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường nước làm tăng thêm nguy cơ đối với các khu rừng, không chỉ xảy ra xung quanh khu vực thi công mà cả diện tích lân cận, nơi tiến hành khảo sát địa hình, địa chất.

Theo tính toán của các chuyên gia, thu hồi đất để xây dựng thủy điện đòi hỏi phải mất từ 5-7ha cho mỗi 1 MW. Như vậy, tổng số đất phải thu hồi phát triển thủy điện trong thời gian tới ở Quảng Nam sẽ là 4.900ha, Thừa Thiên-Huế 400ha và Quảng Trị 240ha. Do đó, các khu tái định cư cho các hộ dân phải di dời cần nhiều đất hơn nữa, sẽ tác động tiêu cực đến khu vực rừng gần đó, bởi phải cắt bớt diện tích rừng bổ sung cho sản xuất nông nghiệp.

Một trong những áp lực khá lớn nữa đối với tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học tại khu vực Trung Trường Sơn là phát triển diện tích cây caosu đang gia tăng nhanh chóng.

Trong đó Quảng Trị có 16.289ha, Thừa Thiên-Huế 8.891ha, Quảng Nam 5.996ha và đều tập trung tại các địa bàn trung du và miền núi.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2015, các trang trại caosu sẽ mở rộng với mục tiêu 20.000ha ở Quảng Trị, 13.000ha ở Quảng Nam và 10.500ha ở Thừa Thiên-Huế. Chưa kể gần 10.000ha cây càphê sẽ hình thành tại những khu đất chưa sử dụng chạy dọc theo đường Hồ Chí Minh.

Cũng trong 10 năm qua, tổng diện tích rừng bị cháy và khai thác trái phép trên địa bàn ba tỉnh này gần 3.700ha, đang thu hẹp và suy giảm nhanh chóng chất lượng rừng. Đồng thời, hoạt động khai khoáng diễn ra hầu hết mọi nơi trong các huyện của ba tỉnh thuộc Dự án Sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học nơi đây.

Tuy nhiên điểm nóng nhất là khai thác vàng trái phép không những gây mất rừng, suy thoái cảnh quan mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và trật tự xã hội, đã trở thành vấn nạn mà chính quyền địa phương khó có thể kiểm soát nổi.

Vì vậy, để giảm áp lực đang đe dọa đến sự suy thoái tài nguyên và đa dạng sinh học tại ba tỉnh nói trên, trước hết các cấp quản lý tại địa phương cần rà soát, điều chỉnh lại kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội bền vững và thân thiện với môi trường; cải tiến phương thức quản lý tài nguyên thiên nhiên theo hướng duy trì ổn định hệ sinh thái, ưu tiên cao nhất cho công tác phục hồi và phát triển rừng.

Mặt khác thực thi các chương trình bảo tồn quy mô lớn, đảm bảo mang lại lợi ích cho cả đa dạng sinh học và người dân địa phương./.

Văn Hào (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục