Vườn Bách Thảo - nơi lưu giữ nguồn gen hiếm

Vườn Bách Thảo ở Hà Nội với những cây cổ thụ quý hiếm đang được bảo tồn và phát triển, là nơi lưu giữ nguồn gen thực vật quý hiếm.

Nhớ về Hà Nội, một địa danh không thể thiếu trong tâm tưởng của những người dân xa quê là Vườn Bách Thảo.

Vườn Bách Thảo được xây dựng từ năm 1890. Khu vườn với những cây cổ thụ quý hiếm, cành lá sum suê toả bóng mát quanh năm, với núi Nùng soi bóng bên hồ và những lối đi quanh co xưa nay là một điểm thư giãn lý tưởng cho người dân Hà Nội và du khách.

Trải qua bao biến động của lịch sử, khu vườn yên tĩnh này vẫn đang được bảo tồn và phát triển, là nơi lưu giữ nguồn gen thực vật quý hiếm cho đất nước.

Đến Vườn Bách Thảo, ta như lạc vào một khu vườn cổ tích để chiêm ngưỡng những cây cổ thụ khổng lồ 2 người ôm không hết. Những cây thân cột thẳng tắp của họ cau dừa, những cây thân gỗ có bộ rễ phụ buông dài của nhóm si, đa, đề, những giò phong lan khoe sắc. Vào cuối mùa xuân, những cây sưa trắng trổ bông, hoa rụng như rải thảm thu hút khách tham quan.

Không khí trong vườn Bách Thảo luôn thấp hơn bên ngoài 4 độ C. Vườn có độ dốc thoải về phía nam nên nước không bị ứ đọng, ô nhiễm. Hồ nước trong vườn mức nước cao hơn mức nước hồ Tây nên lượng nước luôn được cân bằng. Núi Nùng được đắp cao che được gió tây và độ cao của núi dốc từ Bắc xuống Nam để đón gió.

Chính vị trí địa lý cùng với hệ thực vật đa dạng phong phú, Vườn Bách Thảo đã góp phần đáng kể cải thiện môi trường sống cho khu vực. Nhiều người đã ví môi trường sống nơi đây trong vắt như pha lê. Vào Vườn Bách Thảo, con người như chùng xuống để cảm nhận sự dễ chịu của thiên nhiên. Khác biệt hẳn với cảnh phố xá, ồn ã, tấp nập, không gian trong Vườn Bách Thảo luôn tĩnh lặng, có thể nghe rõ tiếng gió lao xao, tiếng chim gọi đàn.

Vườn còn là nơi phục vụ các nhu cầu văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch về thực vật và là cơ sở hợp tác quốc tế để nghiên cứu khoa học, trao đổi tư liệu, mẫu vật hạt giống, dịch vụ kinh doanh về giống cây.

Nói về giá trị của vườn, giám đốc Nguyễn Thị Thạch cho biết, hiện nay, Vườn Bách Thảo có hàng trăm loài cây gỗ quý hội tụ từ khắp các miền đất nước và trên thế giới, trong đó có nhiều cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi, độ thuần chủng tuyệt đối không bị lai tạo, không biến đổi gen.

Năm 2000, vườn chỉ còn 88 loài cây nhưng đến nay đã được bổ sung lên 110 loài cây, trong đó một số loài mới được bổ sung là đa lan, vú sữa, cây sang, cây chay, bồ quân, hoàng lan, ngọc lan, bách xanh, kim giao, đa lông, đa thường, móng bò, cây bàng, tre vàng, đại trắng.

Nhiều loài gỗ quý chỉ còn một cá thể duy nhất ở Miền Bắc như cây gõ đỏ. Nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như muồng xanh, gụ mật, chiêu liêu chanh, giáng hương... Trong vườn có 40 cây sưa đỏ lớn trên 100 tuổi. Đây là nguồn gen thực vật hết sức quý hiếm không chỉ cho Hà Nội mà cho cả nước cũng như Hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới trong sự bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

Theo bà Nguyễn Thị Thạch, hướng phát triển của Vườn Bách Thảo sẽ là vườn thực vật đa dạng sinh học gắn với môi sinh, tạo thành một quần thể thực vật quý hiếm giữ được nguồn gen, tiến tới xây dựng một bảo tàng gen, bảo tồn ngoại vi. Hiện, Vườn Bách Thảo đã đưa các hạt giống cây về trồng tại các vùng Hợp Châu-Tam Đảo, Tam Điệp-Ninh Bình... để gây giống các loài cây quý như sưa đỏ, dầu trai, muồng hoa đào, bụt mọc.

Từ năm 2000, vườn Bách Thảo giải quyết triệt để các hàng rong, 23 hàng quán của tư nhân, bóng đá và tệ nạn mại dâm. Đơn vị đã kết hợp cùng với Công an quận, các đội an ninh trật tự, chính quyền phường và các cụm dân cư xung quanh địa bàn giải quyết các tệ nạn kéo dài hàng chục năm nay.

Cảnh quan trong vườn cũng được cải tạo, tu sửa phù hợp với nhu cầu tham quan, giải trí của người dân. Toàn bộ tường rào bằng gạch được dỡ bỏ để thay thế bằng hàng rào sắt hoa, hệ thống chiếu sáng được nâng cấp, an ninh trật tự được chú trọng. Khu vực thể thao, đánh cầu cũng được sắp xếp lại và quy định giờ chơi cụ thể để không ảnh hưởng đến người đi bộ.

Hướng tới 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Vườn thú Hà Nội sẽ được tu bổ, sửa sang lại các khu tiểu cảnh, chuồng chim, thú… trả lại nguyên trạng thủa sơ khai cho Vườn Bách Thảo. Ngoài ra, thành phố cũng đang dự kiến sẽ thực hiện một phòng tiêu bản thực vật tại vườn Bách Thảo quy tụ tất cả các mẫu vật cây xanh tại vườn Bách Thảo và mở rộng trên địa bàn Hà Nội và các vùng miền khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục