Quân Taliban sắp trở lại?

Quân Taliban sắp trở lại cầm quyền ở Afghanistan?

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Carnegie đưa ra tuần này khẳng định Taliban sẽ trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau 2014.
Trong khi thời hạn liên quân NATO rút hoàn toàn khỏi vũng lầy Afghanistan đã được ấn định vào năm 2014 thì một báo cáo đáng lo ngại của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Carnegie với nhan đề “Sự chờ đợi quân Taliban” được đưa ra tuần này khẳng định, Taliban sẽ trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau năm 2014.

Báo cáo trên cho rằng, Chính quyền Kabul của Tổng thống Hamid Karzai sẽ không thể chống lại được quân Taliban cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Chế độ này chắc chắn sẽ sụp đổ trong vài năm tới. Sau năm 2014, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kabul sẽ hạn chế và việc lực lượng NATO rút đi sẽ dẫn đến các cuộc bạo loạn.

An ninh ở các thành phố và một số khu vực ủng hộ chính phủ được bảo đảm nhưng chính phủ bị mất kiểm soát ở các vùng nông thôn Pashtun và các tỉnh biên giới với Pakistan do lực lượng an ninh thiếu các phương tiện hoạt động, không được huấn luyện chu đáo và những khu vực này bấy lâu nay chính phủ chỉ quản lý một cách nửa vời.

Báo cáo cũng cảnh báo, từ nay đến 2014, nhà cầm quyền Afghanistan sẽ phải trải qua ba cuộc khủng hoảng. Đó là khủng hoảng kinh tế với sự suy giảm viện trợ của phương Tây, cuộc bầu cử tổng thống bấp bênh, khó suôn sẻ và cuộc khủng hoảng về khả năng quốc phòng-an ninh.

Cơn ác mộng đối với tương lai của Afghanistan là hệ quả tất yếu của sự thất bại về chiến lược của NATO do Mỹ đứng đầu và cuộc xâm lược này của NATO đã để lại một "di sản" tồi tệ hơn so với năm 2001 xét theo một số khía cạnh.

Từ chối công nhận thất bại, các nhà lãnh đạo lực lượng NATO đã bác bỏ thẳng thừng những dự đoán trên và quả quyết rằng quân Afghanistan đủ vững mạnh để chống lại các cuộc nổi dậy. Với cái nhìn lạc quan về tình hình, Tướng Pháp Olivier de Bavinchove - Tham mưu trưởng các lực lượng NATO ở Afghanistan, cho rằng tỷ lệ phần trăm lãnh thổ và dân chúng Afghanistan được bảo đảm an ninh và không có tình trạng bạo lực lên tới 80%.

Tuy nhiên, thực tế dường như còn “cay đắng” và “đen tối” hơn nhiều so với những dự đoán của báo cáo, chứ chưa nói đến số liệu do NATO đưa ra. Một ví dụ đơn giản mà ai cũng biết là mặc dù hơn 130.000 binh lính được triển khai trên khắp đất nước Afghanistan nhưng chưa lúc nào kể từ khi đưa quân vào chiến trường này năm 2001 NATO vẫn không thể chấm dứt được sự nổi dậy của quân Taliban.

Cách đây vài ngày, một cuộc tấn công của Taliban đã giết chết một lính của NATO, một dân thường và ba binh sỹ Afghanistan. Một bộ phận khá đông dân chúng Afghanistan cho biết họ đang chuẩn bị rời đất nước đi tị nạn ở nước ngoài vì lo sợ một cuộc nội chiến mới sau hơn 30 năm xung đột.

Lo sợ phải trở về số không sau hơn một thập kỷ gây chiến không khoan nhượng, trong tuần này NATO đã quyết định tái thực hiện các chiến dịch phối hợp với quân đội Afghanistan để trấn áp Taliban.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang cố "thổi thêm sức mạnh” cho NATO khi quả quyết cách đây không lâu rằng, phần lớn các đơn vị của NATO tiếp tục thực hiện một cách bình thường việc phối hợp ở tất cả các cấp trên chiến trường Afghanistan. Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định không gì có thể thay đổi tiến trình chuyển giao an ninh cho các lực lượng Afghanistan vào năm 2014.

Như vậy, chỉ thời gian mới có thể trả lời được liệu Kabul có lại trở thành "miếng mồi" cho Taliban hay không? Hiện có khá nhiều dự đoán theo chiều hướng mà cả Mỹ, NATO lẫn chính quyền Kabul hiện nay đều không dám nghĩ tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục