Căng thẳng Pháp-Thổ

Quan hệ Pháp-Thổ căng thẳng vì dự luật "diệt chủng"

Quan hệ trở nên căng thẳng khi Hạ viện Pháp thông qua dự luật coi việc TNK phủ nhận vụ diệt chủng người Armenia năm 1915 là bất hợp pháp.
Pháp đã khiến quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh then chốt trong NATO và là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Paris ở châu Âu, đứng trước nhiều rủi ro khi các nghị sĩ nước này ngày 22/12 dễ dàng thông qua một dự luật coi hành động phủ nhận vụ diệt chủng người Armenia hồi năm 1915 là bất hợp pháp.

Ngay sau khi dự luật trên được thông qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ nước này tại Paris, Tahsin Burcuoglu, về nước để phản đối quyết định của quốc hội Pháp. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo quan hệ song phương sẽ bị xói mòn, đồng thời dọa áp đặt trừng phạt ngoại giao và thương mại nếu Pháp thông qua dự luật trên.

Phát ngôn viên Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ Engin Solakoglu cho biết Đại sứ Burcuoglu sẽ rời Pháp trong ngày 23/12 và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau đó sẽ công bố các biện pháp đáp trả động thái trên. Đại sứ Burcuoglu cũng dự kiến tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 18h (17h GMT) tại Paris.

Dự luật đã nhận được đa số ủng hộ tại cuộc biểu quyết bằng hình thức giơ tay tại Hạ viện Pháp. Dự luật này cần được Thượng viện thông qua để có hiệu lực, trong đó qui định bất cứ sự phủ nhận hành vi diệt chủng nào đều bị phạt một năm tù và phạt tiền gần 60.000 USD.

Tuy nhiên, dự luật này đặc biệt nhạy cảm ở Thổ Nhĩ Kỳ vì Pháp coi việc giết hại tập thể những người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman trong Đệ Nhất Thế Chiến là một hành vi diệt chủng.

Trong một chuyến viếng thăm Armenia hồi đầu năm, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận vụ thảm sát tập thể những người Armenia là một trường hợp diệt chủng. Ông Sarkozy cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên nhìn thẳng vào lịch sử và chỉ những quốc gia vĩ đại mới có thể làm như thế.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt bác bỏ từ "diệt chủng" và tranh cãi về số lượng người Armenia bị giết hại. Ankara cho rằng những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và người sắc tộc Kurd cũng bị giết trong cuộc chiến năm 1915./.

Việc dự luật được thông qua có nguy cơ xói mòn thêm nữa mối quan hệ Paris - Ankara vốn đã căng thẳng do việc Tổng thống Sarkozy phản đối nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh Châu Âu (EU). Khối này bị chia rẽ về đơn xin gia nhập của Thổ Nhĩ Kỳ và sự mong muốn gia nhập của nước này đang phai nhạt dần vì ảnh hưởng của Ankara tại Trung Đông và một số nơi khác trên thế giới đang tăng dần.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định việc thông qua dự luật là vì mục đích chính trị khi nước Pháp chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử năm 2012 và Đảng UMP cánh hữu của ông Sarkozy muốn tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người gốc Armenia tại nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục