Dỡ bỏ rào cản cuối cùng với hiệp ước Lisbon

Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Séc đã ra phán quyết khẳng định Hiệp ước Lisbon hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa Séc.
Ngày 3/11, Tòa án Hiến pháp Cộng hòa Séc đã ra phán quyết khẳng định Hiệp ước Lisbon, hiệp ước cải cách Liên minh châu Âu (EU), là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp Cộng hòa Séc.

Phán quyết trên đã dỡ bỏ rào cản cuối cùng trong tiến trình phê chuẩn văn kiện của EU, cho phép Tổng thống Séc Vaclav Klaus ký thông qua.

Séc là nước duy nhất trong EU chưa phê chuẩn Hiệp ước Lisbon, vốn cần sự đồng thuận của tất cả 27 quốc gia thành viên để có hiệu lực, sau khi một nhóm nghị sĩ Séc đệ trình kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu hoãn việc phê chuẩn hiệp ước Lisbon với lý do hiệp ước này có thể xâm hại chủ quyền đất nước, điều đi ngược lại Hiến pháp Séc.

Bản thân Tổng thống Klaus cũng từng phản đối hiệp ước mà ông cho rằng sẽ biến EU thành một "siêu quốc gia với ít quyền dân chủ hơn". Tuy nhiên, ông đã cam kết sẽ ký thông qua văn bản này nếu Tòa án Hiến pháp Séc khẳng định văn kiện này hợp hiến, sau khi các nhà lãnh đạo EU trong hội nghị thượng đỉnh tuần trước đã nhất trí đưa vào văn bản Hiệp ước Lisbon phần phụ lục liên quan lợi ích của Séc.

Theo đó những người Đức bị trục xuất khỏi Tiệp Khắc cũ - mà Cộng hòa Séc là một bộ phận - từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai không được quay trở lại Séc đòi tài sản.

Nếu ông Klaus thực hiện cam kết của mình trong vài tuần tới thì Hiệp ước Lisbon sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2010 và khi đó mọi sự chú ý của dư luận sẽ tập trung vào cuộc đua giành chiếc ghế chủ tịch đầu tiên của EU mới nhiệm kỳ hai năm.

Trong tháng này, các nhà lãnh đạo EU có thể sẽ tiến hành một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để chọn người ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nói trên.

Hiện chưa có ứng cử viên chính thức nhưng các ứng cử viên có thể là Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende, cựu Thủ tướng Phần Lan Paavo Lipponen và Thủ tướng Jean-Claude Juncker./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục