Dinh dưỡng cho châu Phi

Triển khai việc nghiên cứu dinh dưỡng cho châu Phi

Dự án mang tên SUNRAY sẽ được triển khai trong hai năm nhằm đưa ra một chương trình dinh dưỡng cho người dân các nước châu Phi.
Một nhóm các trường đại học quốc tế và một tổ chức phi chính phủ được Liên minh châu Âu bảo trợ vừa triển khai thực hiện dự án nghiên cứu dinh dưỡng bền vững cho châu Phi trong những năm tới.

Dự án, mang tên SUNRAY, nằm trong khuôn khổ thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (OMD) của Liên hợp quốc và được triển khai trong hai năm nhằm đưa ra một chương trình dinh dưỡng cho người dân các nước châu Phi, đặc biệt cho 34 nước vùng Nam sa mạc Sahara.

Các giải pháp sẽ tập trung giải quyết mối liên hệ giữa dinh dưỡng và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của tăng giá đối với giá lương thực thực phẩm, tiềm năng nguồn nước, tác động của quá trình đô thị hóa quá nhanh.

Một lộ trình thực hiện cũng sẽ được thiết lập, trong đó xác định cụ thể các vấn đề cần ưu tiên, thế mạnh và khiếm khuyết của các nước có liên quan, nhu cầu và khả năng cộng tác giữa các cơ sở nghiên cứu ở châu Phi và Bắc Phi.

Chính phủ các nước có liên quan chủ động tham gia dự án bằng cách đưa ra định hướng và các vấn đề ưu tiên cũng như mức tài trợ để giải quyết vấn đề dinh dưỡng cho nước mình.

Ông Carl Lachat, nhà nghiên cứu thuộc Viện y học nhiệt đới có trụ sở ở Bỉ và là người tham gia dự án cho biết dự án SUNRAY bảo đảm đáp ứng các vấn đề về dinh dưỡng của châu Phi cho 10-15 năm tới. Đó là thời kỳ châu lục phải đối mặt với những thay đổi quan trọng về môi trường lâu dài tác động đến vấn đề dinh dưỡng của người dân.

Một công trình nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) cũng cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lương thực sẽ có thể làm tăng 20% số trường hợp thiếu dinh dưỡng ở trẻ em châu Phi trong 20 năm tới.

Hiện chỉ có 9 trong tổng số 49 nước vùng Nam sa mạc Sahara là có khả năng hoàn thành OMD nhằm giảm mức độ nghèo khổ và nạn đói từ nay đến năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục