Vai trò phụ nữ trong giải quyết xung đột, hòa bình

Để giải quyết tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang, cần nâng cao quyền năng, cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình hòa bình.
Đại sứ Bùi Thế Giang cho rằng để ngăn ngừa và giải quyết tình trạng bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang, cần nâng cao quyền năng và cải thiện sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình hòa bình, đặc biệt trong giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình.

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an về Báo cáo đầu tiên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc liên quan đến tình hình thực hiện Nghị quyết 1820 của Hội đồng Bảo an về bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang, dưới đề mục “Phụ nữ, hòa bình và an ninh”, ngày 7/8, Đại sứ Bùi Thế Giang, Phó Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Bảo an ghi nhận việc thông qua Nghị quyết 1.820 từ hơn một năm qua đã giúp cải thiện đáng kể nhận thức trong cả hệ thống Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế cũng như tại nhiều khu vực xung đột vũ trang về vấn đề bạo lực tình dục và việc mới đây Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1.882 về trẻ em và xung đột vũ trang đã một lần nữa thể hiện quyết tâm chặn đứng những vi phạm trong lĩnh vực này.

Đại sứ cũng cho rằng các biện pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em chống bạo lực tình dục cần được xây dựng và triển khai trong khuôn khổ chiến lược rộng lớn xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội và phát triển. Trên tinh thần đó, Liên hợp quốc và các nhà tài trợ nên giúp đỡ các quốc gia nhiều hơn nữa trong việc tăng cường năng lực, xây dựng các chương trình về giới nhằm hỗ trợ nạn nhân cả về pháp lý, chăm sóc thể chất, đảm bảo kinh tế và an sinh xã hội, và tham gia vào quá trình ra quyết định.

Khẳng định Nhà nước có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo vệ người dân trước mọi loại bạo lực, kể cả bạo lực tình dục, Đại sứ Bùi Thế Giang nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ nỗ lực của các cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc trong việc ngăn ngừa, xử lý bạo lực tình dục trong xung đột vũ trang và chủ động hơn trong việc tăng cường thu hút phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán về hòa bình cũng như các phái bộ chính trị và giữ gìn hòa bình, coi đó là một phương thức hữu hiệu để hỗ trợ nạn nhân tại địa bàn và giúp tăng quyền năng cho phụ nữ ở những quốc gia mới thoát khỏi xung đột.

Việt Nam quyết tâm cùng các đối tác quốc tế thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có liên quan nhằm tiến tới chấm dứt bạo lực tình dục và đảm bảo vị trí xứng đáng của phụ nữ trên thế giới, ông Giang khẳng định./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục