Cần có định chế quản lý DN sau cổ phần hóa

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ cần phải có định chế hoàn thiện hơn để quản lý doanh nghiệp sau chuyển đổi, cổ phần hóa.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ cần phải có định chế hoàn thiện hơn để quản lý doanh nghiệp sau chuyển đổi, cổ phần hóa và yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp và lập kế hoạch kiểm tra công tác cổ phần hóa, chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp ngày 22/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng đường cho việc chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đúng thời hạn.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, soạn thảo Nghị định về thực hiện quyền và nghĩa vụ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và đánh giá việc thực hiện Nghị định 95/2006/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển công ty 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cũng cần nghiên cứu sửa đổi, trong đó tập trung nghiên cứu quy định về việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần ưu đãi cho người lao động, đa dạng phương thức cổ phần hóa, xác định giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế vị trí địa lý, ông Hùng nói.

Đến nay, Chính phủ mới có Nghị định quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chưa có quy định về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với loại hình công ty này.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo, đến nay cả nước có 1.546 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, bao gồm 7 công ty mẹ - tập đoàn nhà nước, 11 tổng công ty 91, 77 tổng công ty 90, 421 doanh nghiệp thành viên 100% vốn của tập đoàn, 1.026 công ty nhà nước độc lập, 3 ngân hàng thương mại và tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước

Với số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, việc bảo đảm tất cả các doanh nghiệp này đều được chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ ngày 1/7/2010 dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn đòi hỏi trước tiên phải tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tổ chức, nếu chủ sở hữu bổ nhiệm từ 2 người trở lên làm đại diện ủy quyền thì cơ cấu tổ chức quản lý sẽ có Hội đồng thành viên với quyền quyết định tăng hay giảm vốn điều lệ, sửa đổi điều lệ, bầu, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổ chức lại, giải thể công ty... Đối với công ty 100% vốn nhà nước, giao những quyền này cho Hội đồng thành viên là lớn./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục