Nghệ An đưa du lịch biển đảo làm ngành chủ lực

Nghệ An xác định phát triển du lịch biển, đảo thành một ngành kinh tế chủ lực, thực hiện phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ biển.
Nghệ An xác định phát triển du lịch biển, đảo trở thành một ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển và ven biển, thực hiện phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ biển, trước hết là bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, cùng với việc tập trung ưu tiên đầu tư 20 dự án với tổng mức đầu tư 9.565 tỷ đồng giai đoạn từ nay đến năm 2020, các cấp, các ngành không ngừng kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và nguồn lợi biển; thực hiện triệt để việc đánh giá tác động môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn đối với các dự án đầu tư mới.

Tỉnh giảm thiểu tối đa việc thải chất thải vào môi trường; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất chế biến, nước thải từ ruộng đồng, từ làng nghề, nước thải sinh hoạt… chảy vào các dòng sông, nhất là hệ thống sông ngòi đổ trực tiếp ra biển.

Hiện Nghệ An đang hoàn thành di chuyển những nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị để tập trung vào các khu, cụm công nghiệp.

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ biển, các ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường Nghệ An cùng chính quyền địa phương ven biển như các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thành phố Vinh chủ động phối hợp với các lực lượng quân đội, công an, bộ đội biên phòng bảo vệ không gian, ngư trường, tài nguyên biển.

Hành động này nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn các hoạt động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.

Công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch biển, đảo cũng được chú trọng. Tại các địa phương ven biển tổ chức các đội cứu hộ với đầy đủ phương tiện cứu hộ trên biển; thường xuyên tuần tra, canh gác 24/24h nhất là thời kỳ cao điểm, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thuỷ.

Thời gian qua, một số địa phương như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò đã ban hành quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng được nhiều mô hình quần chúng tham gia bảo vệ môi trường ở các xã, phường, vận động nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường, nơi công cộng, thành lập tổ thu gom rác tại cụm dân cư, thực hiện tốt công tác tổng dọn vệ sinh môi trường đảm bảo không để rác tồn đọng trên các trục đường, khu dân cư, khu vực công cộng và dọc bãi biển.

Tranh thủ nguồn đầu tư từ dự án của nước ngoài, các địa phương đã thực hiện các dự án bảo vệ môi trường như dự án thoát nước thải, dự án nâng cấp nhà máy nước, dự án cải thiện công tác quản lý chất thải rắn…/.

Bích Huệ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục