Ai là người “cứu giá” thị trường chứng khoán

Đợt giảm giá chứng khoán khiến nhà đầu cơ ngắn hạn chùn bước. Đây chính là thời điểm thích hợp để chuyển từ đầu cơ sang đầu tư.
Đợt giảm giá chứng khoán vừa qua ít nhất trong trước mắt cũng sẽ khiến cho các nhà đầu cơ ngắn hạn chùn bước. Và đây chính là thời điểm thích hợp để chuyển từ đầu cơ sang đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã điều chỉnh sâu nhất trong suốt đợt phục hồi vừa qua khi mất đi gần 100 điểm (tính tới ngày 4/11/2009) so với mức đỉnh 633 điểm đạt được ngày 23/10.

Dấu ấn rõ nhất của đợt sụt giảm này là sự tháo chạy của những nhà đầu tư sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính khi họ phải bán tháo nhiều cổ phiếu đã chạm ngưỡng giải chấp (giảm giá 30%). Trong khi đó các quỹ đầu tư lại coi đây là cơ hội để gom hàng tích trữ cho năm sau.

Quỹ lớn cơ cấu, quỹ nhỏ giải ngân

Có thể nói trong khi sự sụt giảm của thị trường những ngày đầu tháng 11 khiến các nhà đầu tư cá nhân hoang mang thì lại giúp quỹ đầu tư có thời gian tìm hàng đúng mục tiêu. Các quỹ có thể đánh giá, tìm hiểu doanh nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu tư mà không bị áp lực của thị trường.

Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Hà Nội (HFM) chia sẻ: “Vào thời điểm VN-Index có sự suy giảm mạnh, chúng tôi đã tiếp tục chọn mua cổ phiếu, đặc biệt là những cổ phiếu trước đây chúng tôi không thể mua được khi thị trường hưng phấn”.

Ông này cho biết thêm, HFM hướng đến chiến lược đầu tư trung và dài hạn nhiều hơn. Hiện HFM đang trong quá trình chuẩn bị cho việc huy động vốn để lập thêm quỹ mới. Việc huy động vốn của HFM hướng đến đối tượng có khả năng đầu tư vào những dự án mang tính trung, dài hạn như hạ tầng, đường sá, cầu đường, giáo dục, y tế.

Không chỉ riêng HFM, khá nhiều quỹ như SHF, FPT, SAM… nhìn chung cho biết họ vẫn thực hiện chiến lược nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt là 90/10, thậm chí HFM còn có ý định giảm tỷ lệ tiền mặt xuống mức dưới 10%.

Bên cạnh việc có thời gian và cơ hội tìm mua những cổ phiếu tốt, một lý do khiến các quỹ nhỏ tranh thủ gom hàng vào thời điểm hiện tại là giá cổ phiếu hiện khá hấp dẫn với mức P/E vào khoảng 15.

Lãnh đạo nhiều quỹ thừa nhận, ở mức này, nhiều tổ chức sẽ nhảy vào thị trường, bởi trong thời gian tới chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tiềm năng, một số kênh đầu tư khác có dấu hiệu kém hấp dẫn như vàng có nhiều rủi ro, còn bất động sản thì nguồn cung sẽ dồi dào vào năm tới, chưa tính tới việc tín dụng bất động sản sẽ bị thắt lại.

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Phó giám đốc Nghiên cứu kinh tế và phân tích Quỹ đầu tư Hà Nội-Sài Gòn thì vào thời điểm hiện tại, các quỹ lớn như Dragon Capital, Vina Capital đã giải ngân hết, và chỉ cơ cấu lại danh mục đầu tư. Trong khi đó, những quỹ có quy mô trung bình và nhỏ lại đang “âm thầm” gom hàng.

Ông Đức nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp để các quỹ giải ngân đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, các quỹ này sẽ không liên tục mua hoặc lướt sóng mà sẽ gom mỗi ngày một ít và mua giá sàn. Đây cũng là một trong những lý do chủ yếu giúp thị trường không giảm mạnh trong thời gian này, nhưng cũng không có khả năng tăng mạnh.

Tất nhiên, các quỹ sẽ chọn lựa những ngành có tiềm năng để có lợi thế về tính thanh khoản. Họ sẽ không bán ra để chốt lời, đẩy kết quả kinh doanh năm nay lên cao. Bởi nếu như vậy thì áp lực về lợi nhuận cho năm 2010 cũng sẽ phải tăng cao. Các quỹ cũng sẽ không làm giá đẩy cổ phiếu lên để lướt sóng bởi tính thanh khoản của thị trường đang kém ”.

Quỹ chưa dẫn dắt được thị trường

Mặt dù tín hiệu giải ngân của các quỹ đầu tư tại thị trường Việt Nam đã thể hiện khá rõ, nhưng điều này lại không giúp thị trường đi lên. Tại các thị trường chứng khoán thế giới, các quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt thị trường. Bởi đây là những tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có quy mô vốn lớn.

Thế nhưng tại thị trường Việt Nam thì các quỹ đầu tư lại không thể hiện được hết vai trò của mình. Ngoài lý do khách quan là quy mô vốn của các quỹ tại thị trường Việt Nam khá khiêm tốn do tâm lý các nhà đầu tư vẫn thích tự mình đầu tư vào thị trường hơn là thông qua các quỹ, còn có hai nguyên nhân quan trọng khác.

Thứ nhất là thị trường Việt Nam chỉ có các quỹ đóng mà thiếu mô hình quỹ mở (nhà đầu tư được quyền bán lại chứng chỉ quỹ đầu tư cho quỹ và quỹ phải mua lại các chứng chỉ theo giá trị thuần vào thời điểm giao dịch).

Đối với hình thức quỹ này, các giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ được thực hiện trực tiếp với công ty quản lý quỹ và các chứng chỉ quỹ không được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến các quỹ kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Việt Nam. Vì vậy việc cho phép các quỹ mở được thành lập tại Việt Nam sẽ giúp các quỹ huy động vốn dễ dàng hơn.

Nguyên nhân thứ hai là hiện các công ty chứng khoán dường như đang làm thay việc của các quỹ đầu tư. Theo một vị chuyên gia, tại các thị trường quốc tế, các công ty chứng khoán là những người trung gian thực hiện các giao dịch của các nhà đầu tư.

Nhưng tại Việt Nam, vai trò của các công ty chứng khoán trên thị trường lại khá lớn và họ dễ dàng thu hút được các nhà đầu tư đến với mình hơn là các quỹ đầu tư.

Vị chuyên gia này giải thích, sở dĩ có điều này là vì các công ty chứng khoán đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư lớn, thậm chí là các cá nhân có vốn lớn (cho quyền ưu tiên đặt lệnh, được hưởng T+1…).

Điều này khiến các nhà đầu tư lại càng chẳng mặn mà khi các quỹ kêu gọi vốn, bởi họ đơn thuần nghĩ rằng, những lợi ích và ưu đãi mà công ty chứng khoán mang lại chẳng kém gì so với quỹ đầu tư, mặt khác họ vẫn tự mình nắm giữ và điều hành được tiền của mình.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, tình trạng này sẽ không kéo dài. Cùng với sự phát triển của thị trường, xu hướng đầu tư thông qua các quỹ sẽ ngày càng tăng. Đến lúc đó thì lực đỡ cho thị trường chính là các quỹ đầu tư, còn hiện nay lực đỡ cho thị trường phụ thuộc phần lớn vào tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân./.

Bài viết được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Báo điện tử Vietnam+
(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục