Các nước giúp Somalia tái thiết và chống hải tặc

Tại hội nghị, các nước đã cam kết giúp Somalia xây dựng lực lượng an ninh hùng mạnh, khôi phục hòa bình và ngăn chặn nạn cướp biển.
Ngày 22/3, hàng chục nước tham dự hội nghị quốc tế về Somalia do Liên hợp quốc bảo trợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết giúp Somalia xây dựng một lực lượng an ninh hùng mạnh, khôi phục hòa bình, ổn định và ngăn chặn nạn cướp biển đang hoành hành tại các vùng biển thuộc quốc gia thuộc vùng Sừng châu Phi này.

Trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc hội nghị, các nước xác định 6 lĩnh vực ưu tiên giúp Somalia phát triển gồm viễn thông, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, chăn nuôi, đánh bắt cá, ngân hàng và năng lượng. Các nước cũng cam kết ủng hộ các dự án đầu tư mũi nhọn của Somalia.

Ngoài ra, bên lề hội nghị, riêng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký với Somalia thỏa thuận khung về huấn luyện quân sự.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, không thể ngăn chặn nạn hải tặc ở ngoài khơi Somalia nếu những vấn đề cơ bản trên đất liền của quốc gia này không được giải quyết.

Ông khẳng định cách duy nhất để khôi phục ổn định ở Somalia là ủng hộ chính phủ nước này trong các nỗ lực hòa giải dân tộc và chống các lực lượng cực đoan.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức để tạo sự chuyển biến tích cực ở Somalia, đồng thời hối thúc Chính phủ liên bang quá độ Somalia thực hiện những cam kết đã đưa ra như cung cấp các dịch vụ cần thiết cho người dân, trả lương cho các lực lượng an ninh và tiếp tục nỗ lực xây dựng các thể chế trong lĩnh vực an ninh.

Tổng thống Somalia Sheikh Sharif Ahmed khẳng định giới chức nước này sẽ xóa bỏ bất đồng và đảm bảo sự minh bạch trong điều hành đất nước.

Tuy nhiên, ông Sharif Ahmed nhấn mạnh nạn hải tặc ở ngoài khơi Somalia không chỉ là vấn đề luật pháp và trật tự, an ninh hay chính trị, mà là một vấn đề thuộc về con người, việc chấm dứt vấn nạn này phụ thuộc vào sự ổn định và điều kiện kinh tế thuận lợi hơn ở Somalia.

Somalia rơi vào tình trạng rối ren từ năm 1991, sau khi các lãnh chúa lật đổ nhà độc tài Mohaned Siad Barre. Nạn hải tặc kể từ đó hoành hành dữ dội ở các vùng biển của nước này, trong khi an ninh và trật tự xã hội rối loạn vì các cuộc tấn công thường xuyên của các phần tử nổi dậy có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda.

Chính phủ liên bang quá độ được Liên hợp quốc bảo trợ chỉ kiểm soát được một phần thủ đô Mogadishu và phải nhờ sự hỗ trợ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên minh châu Phi.

Tình hình càng trở nên phức tạp sau khi Thủ tướng Somalia Abdirashid Sharma'arke và Chủ tịch Quốc hội Mohammed Nur Madobe cùng từ chức ngày 17/5 vừa qua, trong bối cảnh các chính trị gia buộc tội lẫn nhau về trách nhiệm đối với sự hỗn loạn đang tiếp diễn tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục