Không đủ căn cứ pháp lý tiến hành cuộc chiến Iraq

Theo kết luận của ủy ban điều tra độc lập của Hà Lan, cuộc chiến xâm lược Iraq do Mỹ tiến hành năm 2003 là trái công ước quốc tế
"Không đủ căn cứ pháp lý" để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003. Đó là kết luận trong báo cáo của một ủy ban độc lập điều tra cuộc chiến Iraq năm 2003 do ông Willibrord Davids, cựu Chánh án Tòa án tối cao Hà Lan đứng đầu, được trình lên Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende ngày 12/1.

Theo kết quả cuộc điều tra được tiến hành trong 9 tháng, cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003 không phù hợp với công ước quốc tế và đi ngược lại tinh thần một nghị quyết của Liên hợp quốc vì nghị quyết này không hề đưa ra những cơ sở pháp lý để tiến hành chiến tranh chống Iraq.

Báo cáo nêu rõ việc chính phủ các nước Mỹ, Anh và Hà Lan đã dựa vào Nghị quyết 1441 của Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 11/2002 làm cơ sở pháp lý để tiến hành phát động cuộc chiến tranh xâm lược Iraq là "không đủ căn cứ pháp lý".

Nghị quyết này cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu như cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein không tuân thủ hoàn toàn việc giải trừ quân bị.

Mặc dù có một số từ không rõ nghĩa được viết trong Nghị quyết 1441, nhưng nghị quyết này không thể được hiểu là cho phép các nước sử dụng sức mạnh quân sự tấn công để buộc Iraq phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo giới phân tích, đây được cho là bản tuyên bố về tính cơ sở pháp lý đối với cuộc chiến tại Iraq có tác dụng quốc tế quan trọng nhất, giúp giải tỏa những khúc mắc trong các cuộc điều tra của Ủy ban điều tra Chilcot của Anh đối với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Ủy ban Davids của Hà Lan đối với Thủ tướng Hà Lan Jan Peter Balkenende.

Trong báo cáo của mình, ông Willibrord Davids chỉ trích Chính phủ Hà Lan lúc đó đã sử dụng những thông tin tình báo của Anh và Mỹ nói rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt, phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia Bộ Ngoại giao Hà Lan cho rằng cuộc tấn công Iraq có thể sẽ là sự vi phạm công ước quốc tế cũng như không hề dựa trên nguồn tin tình báo riêng đánh giá về tình hình nước này lúc đó.

Cũng theo điều tra của ủy ban này, cơ quan tình báo Hà Lan có cách đánh giá khác về vấn đề vũ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq so với thông tin được chính phủ sử dụng khi thảo luận về vấn đề Iraq tại Quốc hội.

Thủ tướng Hà Lan từ lâu đã cản trở cuộc điều tra về sự hậu thuẫn chính trị của Chính phủ Hà Lan đối với cuộc chiến chống Iraq do Mỹ phát động dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Tuy nhiên, sau khi báo "NRC Handelblatt" của Hà Lan thông báo sẽ công khai một hồ sơ mật vào đầu năm ngoái, cùng với sức ép của phe đối lập cũng như một số thành viên đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền, Thủ tướng Balkenende đã buộc phải chấp nhận cuộc điều tra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục