Nhìn Oscar 2010 nghĩ đến Cánh Diều của Việt Nam

Lễ trao giải "Cánh Diều" sắp diễn ra, một số đạo diễn Việt Nam cho rằng khó có thể học tập được gì từ Oscar 2010 cho lễ trao giải này.
Ngày 8/3 (theo giờ Việt Nam), lễ trao giải Oscar lần thứ 82 đã diễn ra tại nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ và được Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội mua bản quyền phát sóng trực tiếp.

Dù vào sáng thứ Hai đầu tuần và cũng là ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, nhưng khá nhiều người đã dành thời gian theo dõi sự kiện điện ảnh quan trọng bậc nhất thế giới này.

Khó học tập được gì từ Oscar

Lễ trao giải năm nay kịch tính đến phút chót khi chứng kiến cuộc “bám đuổi” ngoạn mục giữa hai bộ phim "The Hurt Locker""Avatar." Cuối cùng, bộ phim có kinh phí thấp về cuộc chiến tại Iraq giành 6 giải Oscar, gấp đôi so với “quả bom tấn” "Avatar."

Đạo diễn Đỗ Gia Chung, người cùng êkíp của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) sẽ thực hiện lễ trao giải "Cánh Diều" của Hội Điện ảnh Việt Nam vào tối 14/3 tới tại Cung Hữu nghị Hà Nội, chia sẻ: “Lễ trao giải Oscar 2010 đơn giản nhưng sang trọng, đúng với tính chất của một lễ trao giải điện ảnh.”

Vui, hồi hộp và xúc động là cảm giác chung của không chỉ  những người có mặt tại nhà hát Kodak mà có lẽ còn của khán giả xem truyền hình. Một lễ trao giải sang trọng mà ấm áp, kéo dài suốt bốn giờ liền nhưng không lê thê và nhàm chán.

Những người đoạt giải bày tỏ cảm xúc thật tự nhiên, chân thành. Rất nhiều cung bậc cảm xúc cuả những người đoạt giải khiến khán giả luôn phải dõi theo từng lời nói và cử chỉ của họ.

Bên cạnh những lời có cánh bày tỏ niềm tự hào hay sung sướng khi đoạt giải là những thổ lộ đầy khiêm tốn, giản dị...

Diễn viên Jeff Bridges lặng đi hồi lâu trước khi nói nên lời. Năm lần nhận đề cử Oscar (lần đầu cách đây 38 năm) nhưng nay ông mới giành được tượng vàng.

Những giọt nước mắt hạnh phúc đã lấp lánh trên khuôn mặt xinh đẹp của Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất Sandra Bullock với phim "The Blind Side."

Cô không quên nhắc tới những người được đề cử ở cùng hạng mục với mình và dành sự mến mộ đặc biệt cho diễn viên gạo cội Meryl Streep...

Đạo diễn Đỗ Gia Chung cho rằng, trong vai trò MC, hai ngôi sao kỳ cựu của Hollywood Steve Martin và Alec Baldwin đã góp phần quan trọng làm nên thành công của lễ trao giải.

Nổi tiếng trong vai trò một diễn viên hài, Steve Martin đồng thời còn là một nhà sản xuất, biên kịch và sáng tác. Alec Baldwin là ngôi sao quen thuộc của serie phim truyền hình "30 Rock" trên kênh NBC.

Hai MC này đã đùa vui tếu táo, hầu như mỗi một câu nói của họ đều khiến khán phòng nhà hát Kodak vỡ òa bởi những tràng cười.

Tuy nhiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người nhiều lần làm đạo diễn lễ trao giải "Cánh Diều" - cho rằng: “MC nước ngoài có thể bông đùa thoải mái nhưng nếu MC nước mình tếu táo như thế thì rất dễ bị nhắc nhở.”

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận xét: “Phong thái tự nhiên, sự tự tin của những người công bố giải thưởng và những người đoạt giải ở các kỳ Oscar thì người Việt Nam mình khó lòng có được.”

Chia sẻ ý kiến này, đạo diễn Đỗ Gia Chung bày tỏ: “Cách ăn mặc, đi đứng và giao tiếp của họ khác hẳn mình. Văn hóa khác, nền điện ảnh khác và kinh phí đầu tư cho lễ trao giải cũng khác nên... mình khó học tập được gì từ họ.”

Anh nhấn mạnh, giải thưởng Oscar tôn vinh điện ảnh và những người làm nghề nên yếu tố con người rất quan trọng. Chính những người hiện diện trên sân khấu đã làm nên màu sắc chủ đạo cho lễ trao giải này chứ bàn tay đạo diễn không thể hiện nhiều.

Bao giờ... Việt Nam?

Năm nay, Oscar ở hạng mục Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất thuộc về "The Secret In Their Eyes" của Argentina. Bốn đề cử còn lại là "Ajami" (Israel), "The Milk Of Sorrow" (Peru), "A Prophet" (Pháp) và "The White Ribbon" (Đức).

Bao giờ một tác phẩm điện ảnh Việt Nam mới được vinh danh ở hạng mục Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất của giải Oscar? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này nhưng... chỉ để hỏi mà thôi.

Đến nay, qua nhiều lần gửi phim tham dự, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa “có duyên”. Hơn một tháng trước lễ trao giải, danh sách đề cử được công bố nhưng năm nay "Đừng đốt" của Việt Nam không có tên.

Cũng như trước đó, những "Bụi hồng," "Vua bãi rác," "Áo lụa Hà Đông," "Mùa len trâu," "Chuyện của Pao" đã được gửi đến Mỹ rồi biệt tăm...

“Duyên,” ấy là cách người Việt Nam hay nói, chứ thật ra trong lịch sử hạng mục Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar, kể từ năm 1947 điện ảnh của các quốc gia châu Âu đã 51/61 lần đăng quang.

Điện ảnh châu Á mới có năm lần chiến thắng ở hạng mục này, rồi đến châu Phi (ba lần).

Năm ngoái, "Departures" của Nhật Bản là bộ phim đoạt giải. Năm nay, có khá nhiều ứng viên tên tuổi: Trung Quốc với "Mai Lan Phương" của đạo diễn Trần Khải Ca, Hàn Quốc có "Mother" của Bong Joon Ho...

Đặc biệt, nhiều bộ phim đoạt các giải thưởng danh giá, như Cành cọ Vàng, Gấu Vàng... đã phải nhường chỗ cho cái tên lạ lẫm là "The Secret In Their Eyes."

Trả lời câu hỏi: Nếu phim Việt Nam được đề cử Oscar thì ông có vui không? - một đạo diễn Việt Nam từng gửi phim dự Oscar trả lời:

“Không chỉ với người Mỹ, giải thưởng Oscar thật sự trở thành niềm tự hào và vui mừng vô hạn với những người làm điện ảnh trên toàn thế giới, vì đây là giải thưởng danh giá bậc nhất do gần 6.000 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ bầu chọn."

"Vậy nên ai đoạt giải đều vui mừng, bắt tay ôm hôn người thân và đồng nghiệp. Đó là cảm xúc rất thật vì giải thưởng này kèm theo danh tiếng và tiền bạc, là giải thưởng giá trị đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng."

Rồi ông nói thêm: "Còn ở ta, nhận giải xong có khi còn ỉu xìu hơn. Có giải hay không cũng... chẳng sao. Có khi có giải lại không vui vì những điều tiếng. Đã có chuyện xin ra khỏi hội hay đồng nghiệp chả nhìn mặt nhau cũng vì giải thưởng.”/.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục