Tăng mức án kẻ rút ruột BHYT ở bệnh viện Chợ Rẫy

Tòa phúc thẩm đã tăng mức án từ 15 năm lên 16 năm tù đối với Lưu Tố Lan, yêu cầu bị cáo bồi thường cho bệnh viện Chợ Rẫy 3,2 tỷ đồng.
Ngày 16/9, Tòa phúc thẩm Tòa án Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử vụ rút bảo hiểm y tế tại bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đối với Lưu Tố Lan (sinh năm 1968, Hà Nội) cùng đồng phạm về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”

Trong vụ án này, Lưu Tố Lan không kháng cáo, trong khi đó các bị cáo: Trần Đình Tuy (sinh năm 1969, Nghệ An), Huỳnh Quốc Thái (sinh năm 1960, Huế), Nguyễn Thị Thu Ba (sinh năm 1956, Quảng Ngãi) và Nguyễn Thị Duyên (sinh năm 1961, Thái Bình) đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Cho rằng án sơ thẩm tuyên Lưu Tố Lan quá nhẹ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra kháng nghị tăng án đối với bị cáo này đồng thời tăng án đối với Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1959, Thành phố Hồ Chí Minh).

Tại phiên tòa phúc thẩm, công tố viên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Lan 18-19 năm tù, chuyển án tù thành án treo cho Trần Đình Tuy và rút lại kháng nghị đối với bị cáo Nguyễn Thị Mai.

Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa đã tăng án từ 15 năm tù lên 16 năm tù đối với Lưu Tố Lan, tuyên bị cáo này phải bồi thường cho bệnh viện Chợ Rẫy 3,2 tỉ đồng, chuyển 3 năm tù thành 3 năm tù cho hưởng án treo đối với Trần Đình Tuy. Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo, tòa giảm án cho Nguyễn Thị Duyên từ 3 năm xuống còn 2 năm, từ 6 năm xuống còn 5 năm đối với Huỳnh Quốc Thái.

Chấp nhận việc Viện Kiểm sát Nhân dân tham gia phiên tòa rút kháng nghị đối với Nguyễn Thị Mai, tòa đã tuyên đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo này, do đó 3 năm tù treo mà cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo Mai sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày cấp sơ thẩm đã tuyên án (27/4/2011).

Đối với Nguyễn Thị Thu Ba, vì thái độ khai báo thiếu thành khẩn nên Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời y án 6 năm tù.

Theo án sơ thẩm, Lưu Tố Lan đã lợi dụng sự sơ hở, thiếu sót của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh trong việc kiểm tra sổ sách, chi phí bảo hiểm y tế, đã móc nối với bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân của bệnh viện Chợ Rẫy và một số bệnh viện khác để họ cung cấp thẻ Bảo hiểm y tế của những người có thẻ nhưng không đi khám.

Thông qua những đối tượng này, Lan chi tiền cho các bác sĩ viện tuyến dưới nơi người có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để ký khống giấy chuyển viện đến bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị.

Từ đây, Lan kê khống được 1.168 đơn thuốc. Số thuốc có được từ những đơn thuốc kê khống này, Lan đem bán cho các nhà thuốc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bằng 2/3 giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 4 tỷ đồng, bản thân hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục