Đề xuất nhiên liệu hạt nhân của Iran còn giá trị

IAEA cho biết đề xuất cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Iran vì mục đích dân sự vẫn còn nguyên giá trị, bất chấp Tehran bác bỏ.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 20/1 cho biết dự thảo thỏa thuận về cung cấp nhiên liệu hạt nhân vì mục đích dân sự cho Iran vẫn còn nguyên giá trị, bất chấp Tehran đã bác bỏ đề xuất này.

Theo người phát ngôn IAEA Gill Tudor, IAEA không ở vào vị trí để trao đổi quan điểm của các bên liên quan chương trình hạt nhân của Iran, nhưng hiểu rõ các bên hữu quan đang thảo luận một giải pháp khả thi nhất, ám chỉ dự thảo thỏa thuận do IAEA môi giới hồi tháng 10/2009 và đã được Pháp, Nga cùng với Mỹ ủng hộ.

Bà Tudor cũng cho biết IAEA sẽ tiếp tục làm việc trên tinh thần thiện chí như một nhà trung gian công bằng và hy vọng các bên sẽ nối lại đàm phán càng sớm càng tốt để xây dựng lòng tin lẫn nhau.

Theo các nhà quan sát, IAEA dường như muốn cảnh báo các nước phương Tây không hủy bỏ thỏa thuận trên, mà chỉ nên khai thác tích cực hơn giải pháp ngoại giao đối với Iran.

Đáp lại, Nga và Trung Quốc kêu gọi tiếp tục đàm phán với Iran, phản đối áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Tehran với lý do cách tiếp cận như vậy có thể cản trở một giải pháp hòa bình cho vấn đề Iran. Mỹ ngay lập tức đã chỉ trích sự bác bỏ của Iran là phản ứng "không thích hợp".

Về phần mình, Iran tuyên bố không thay đổi lập trường, nhưng sẵn sàng trao đổi nhiên liệu hạt nhân theo giai đoạn.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast, nếu các bên khác sẵn sàng làm như vậy, Tehran sẽ tiến tới thảo luận chi tiết việc chuyển giao nhiên liệu và cân nhắc các biện pháp tiếp theo.

Trước đó, ngày 19/1, Iran thông báo với IAEA rằng nước này bác bỏ những phần chính trong dự thảo thỏa thuận về cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Tehran.

Theo đó, Iran sẽ chuyển 70% lượng urani làm giàu ở cấp độ thấp (LEU) sang Nga để làm giàu ở cấp độ cao hơn. Số urani này sau đó sẽ được cung cấp cho một lò phản ứng hạt nhân dân sự của Iran dưới dạng các thanh nhiên liệu.

Mục đích của việc này là để phá vỡ nghi ngờ của phương Tây về khả năng Iran chế tạo bom nguyên tử và có thể giúp các bên đi đến một giải pháp cuối cùng cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tehran đòi hai bên trao đổi nhiên liệu cùng một lúc, một điều kiện bị các nước phương Tây bác bỏ, cho là không thể chấp nhận được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục