Hà Nội hoàn thiện hệ thống pháp luật, giảm khiếu nại

5 năm qua, các cơ quan Hà Nội đã tiếp gần 400.000 lượt người đến khiếu nại và tố cáo; đồng thời tiếp nhận, xử lý 240.000 đơn các loại.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật để hạn chế phát sinh khiếu nại tố cáo là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đặt ra tại một hội nghị  tổ chức sáng 8/11.

Hội nghị nhằm sơ kết 4 năm thực hiện Thông báo kết luận số 130- TB/TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 31/8/2007 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn thành phố ".

Theo dự báo của Thành ủy Hà Nội, diễn biến tình hình, tính chất phức tạp và mức độ gay gắt trong khiếu nại tố cáo (nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng) của công dân trên địa bàn thành phố chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Do vậy, thời gian tới, các cấp uỷ, chính quyền của thành phố cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng.

[Tăng cường giám sát thực hiện chính sách về đất đai] 

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; kiên quyết thu hồi những trường hợp sử dụng không hiệu quả, không đúng đối tượng và sai mục đích.

Thành phố đặc biệt lưu ý, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (khâu mấu chốt dẫn đến các khiếu nại tố cáo), các địa phương phải thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi.

Theo đó, phải xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người sử dụng đất, nhà nước và nhà đầu tư thì khiếu nại tố cáo chắc chắn sẽ giảm bớt. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cần xác định rõ trách nhiệm của các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với các vụ đông người, phức tạp, vượt cấp.

Định kỳ phải rà soát các vụ khiếu nại tố cáo tồn đọng, xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm và chú trọng làm tốt công tác hòa giải, tuyền truyền, hướng dẫn pháp luật.

Đối với các cơ quan chức năng, nhất là Công an thành phố, Thành uỷ yêu cầu xử lý kịp thời những trường hợp tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự tại các cơ quan của Đảng và Nhà nước; nắm chắc tình hình và phân hóa các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo xúi giục, kích động người khiếu nại tố cáo gây rối để có biện pháp xử lý hữu hiệu.

Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho thấy, từ năm 2007 đến nay, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố luôn ở mức cao so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Trong đó có nhiều vụ khiếu kiện đông người phức tạp, gây mất an ninh trật tự công cộng. 5 năm qua, các cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp gần 400.000 lượt người đến khiếu nại tố cáo (trong đó, thụ lý theo thẩm quyền 18.913 vụ, đã giải quyết được 17.994 vụ, đạt tỷ lệ 94%); đồng thời tiếp nhận, xử lý 240.000 đơn các loại.

Sau khi hợp nhất (từ năm 2009 đến nay), số lượt công dân khiếu nại tố cáo không tăng nhiều nhưng tính chất vụ việc có chiều hướng phức tạp.

Các vụ khiếu nại tố cáo đông người tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh, triển khai nhiều dự án liên quan đến việc thu hồi đất như Đống Đa, Tây Hồ, Từ Liêm, Hà Đông, Thạch Thất....

Tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến, nhất là trong các dịp có các sự kiện chính trị quan trọng. Có những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, có lý, có tình nhưng công dân vẫn không chấp nhận mà cố tình khiếu kiện, nhất là các vụ khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất tại những dự án triển khai kéo dài, các vụ việc đòi lại nhà đất cũ hoặc tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân.

Cá biệt đã có một số trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để xúi giục, kích động, lôi kéo tập trung đông người, thậm chí có sự liên kết các đoàn khiếu nại tố cáo với nhau để tạo sức ép với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ thực tế giải quyết các vụ khiếu nại tố cáo cho thấy chỉ có 9% khiếu nại  đúng, 20% khiếu nại  có đúng, có sai; 67% khiếu nại  sai; 15% tố cáo đúng, 46% tố cáo có đúng, có sai, 39% tố cáo sai.

Qua đó thành phố đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước hơn 16 tỷ đồng, 211.000m2 nhà, đất; thu hồi 282 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trả lại người dân 87,7 tỷ đồng và 5120m2 đất nhà; kiến nghị xử lý kỷ luật 1.080 người, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ việc.

Tuy nhiên, đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thành ủy trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành của thành phố đã thừa nhận một số hạn chế, tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước, nhưng đồng thời cũng do cơ chế, chính sách pháp luật còn những điểm bất cập.

Hiện nay, một số địa phương của Hà Nội chưa gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính; chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm giải quyết dứt điểm vụ việc nên vẫn còn tình trạng khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và phát sinh khiếu kiện vượt cấp.

Có nơi, có chỗ còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc thiếu nghiêm túc, kịp thời trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố về giải quyết khiếu nại tố cáo.

Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại  đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý về tố cáo vẫn còn hạn chế. Từ đó dẫn đến việc người dân có thái độ gay gắt hoặc quay sang tố cáo chính quyền cố tình bao che sai phạm, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền các cấp... /.

Minh Nghĩa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục