Nhật coi VN là "xương sống" trong quan hệ quốc tế

Đó là tuyên bố của giáo sư-tiến sỹ Yoshihide Soeya và giáo sư-tiến sỹ Yasushi Watanabe, đến từ Đại học Keio, Nhật Bản trong buổi thuyết trình “Quan hệ quốc tế mới của Nhật Bản” diễn ra sáng nay (19/3) tại Hà Nội. Trong bài thuyết trình với trọng tâm về mối quan hệ Nhật – Trung – Mỹ và khu vực Đông Nam Á, giáo sư Yoshihide Soeya nhấn mạnh: “Gần đây, chúng tôi quan tâm đến một lớp an ninh mới là quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là xương sống cho mối quan hệ này.”
Đó là tuyên bố của giáo sư-tiến sỹ Yoshihide Soeya và giáo sư-tiến sỹ Yasushi Watanabe, đến từ Đại học Keio, Nhật Bản trong buổi thuyết trình “Quan hệ quốc tế mới của Nhật Bản” diễn ra sáng nay (19/3) tại Hà Nội.

Trong bài thuyết trình với trọng tâm về mối quan hệ Nhật – Trung – Mỹ và khu vực Đông Nam Á, giáo sư Yoshihide Soeya nhấn mạnh: “Gần đây, chúng tôi quan tâm đến một lớp an ninh mới là quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là xương sống cho mối quan hệ này.”

Việt Nam là cửa ngõ đi vào Đông Nam Á từ phía Đông và là nước có quan hệ hợp tác toàn diện với Nhật Bản. Hiện nay, cả Nhật Bản và Việt Nam đều có chung quan điểm và lập trường trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế…

Theo bài thuyết trình của giáo sư Yoshihide Soeya, việc lựa chọn Việt Nam là xương sống trong mối quan hệ với các nước Đông Nam Á đã khẳng định sự coi trọng và quan tâm của chính quyền mới ở Nhật Bản đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Bên cạnh đó, bài thuyết trình về “Quyền lực mềm và cam kết văn hóa của Nhật Bản” của giáo sư Yasushi Watanabe nhấn mạnh đến việc sử dụng "quyền lực mềm" trong bối cảnh quan hệ quốc tế mới, nhất là với Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đôi bên cùng có lợi.

“Hai bài thuyết trình của hai giáo sư đến từ Nhật rất hay về mặt khoa học và có ý nghĩa về mặt thực tiễn hiện nay. Dù tên khác nhau, nội dung khác nhau nhưng bổ sung cho nhau rất nhiều, tập trung làm thế nào để giữ vững an ninh, lợi ích của Nhật Bản cũng như của mỗi quốc gia khu vực và tầm quan trọng của hợp tác khu vực, nhất là mối quan hệ Nhật – Việt” giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thiết Sơn (Viện Châu Mỹ, Viện Khoa học – Xã hội) chia sẻ.

Buổi thuyết trình do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản – Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, phối hợp cùng với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam (1973 – 2013).

Sự kiện này cũng sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 22/3.

Minh Hằng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục