TP.HCM triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở

TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Trưởng ban thường trực, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Hiện thành phố đang bước vào thời điểm thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất ven sông, kênh, rạch, biển, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9.

Đây là các tháng có mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm, xuống dưới âm 2m. Mặt khác, trên địa bàn thành phố có 62 khu vực sạt lở; trong đó, có 29 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm gồm quận Thủ Đức (2 vị trí), Bình Thạnh (7 vị trí), Quận 2 (3 vị trí), Quận 8 (1 vị trí), huyện Bình Chánh (4 vị trí), Nhà Bè (12 vị trí) và có 18 khu vực sạt lở mức độ nguy hiểm .

Trước tình hình trên, thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn.

Cụ thể, các cơ quan chức năng, địa phương cần sớm triển khai cắm biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh; thường xuyên tổ chức kiểm tra các tuyến kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, bờ biển đã được đầu tư xây dựng để kịp thời phát hiện các vị trí xuống cấp, hư hỏng và tiến hành duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn công trình nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, triều cường.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố trái phép, không phép, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; kiểm tra, khảo sát các khu vực ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó, xử lý...

Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở là do đặc điểm địa chất, địa hình, chế độ thủy văn, thủy lực dòng chảy, đặc biệt là đặc điểm thủy triều biển Đông (sông cong, biên độ triều lớn, chân triều rút sâu…) làm thay đổi đường bảo hòa thấm, áp lực thấm, trọng lượng khối đất mép bờ sông.

Các hoạt động xây dựng nhà cửa, kho hàng, vật kiến trúc và lập các bến bãi sát mép bờ… cũng làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu, tạo ra áp lực, gây hiện tượng nén lún, ép trồi khối đất bờ ra mái bờ, làm mất ổn định mái bờ sông dẫn đến nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh khai thác cát trái phép trên sông, xây dựng công trình bảo vệ bờ tự phát không theo quy hoạch chung, một số phương tiện giao thông thủy, tàu biển lưu thông tạo sóng, neo đậu tàu, xà lan trái phép, gây hư hại bờ và cây bảo vệ bờ… cũng gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Năm 2011, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 9 vụ sạt lở với tổng diện tích sạt lở khoảng 4.556 m2, gây hư hỏng hoàn toàn 10 căn nhà, hư hại 1 đoạn kè dài 50 m tại huyện Cần Giờ. Ước tính, tổng thiệt hại do các vụ sạt lở gây ra khoảng 12,6 tỷ đồng; trong đó, vụ sạt lở ngày 28/8/2011 xảy ra tại Rạch Dơi, ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè làm chết 1 người và 4 căn nhà đổ hoàn toàn xuống sông./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục