Chế tài hay ý thức?

Lái xe uống rượu bia: Chế tài có thay được ý thức?

Dù đã có quy định xử phạt người điều khiển phương tiện uống rượu bia nhưng để thực hiện, còn quá nhiều cái khó đối với CSGT.
Thực hiện Tháng An toàn giao thông Quốc gia 2011, với chủ đề là phòng chống rượu bia với người điều khiển phương tiện, Cảnh sát giao thông Hà Nội vừa triển khai đợt cao điểm kiểm tra đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều quán rượu bia. Dạo quanh các quán bia, rượu tại Hà Nội, nhiều người dễ dàng bắt gặp hàng loạt các quán bia vỉa hè đông nghịt thực khách. Những chiếc xe máy, ô tô đỗ thành hàng dài trên vỉa hè và tràn xuống cả lòng đường. Nhiều thực khách sau cuộc vui, mặt phừng phừng đỏ, loạng choạng nhảy lên xe máy, quên không đội mũ bảo hiểm rồ ga phóng vọt ra khỏi quán. Vào khung giờ “vàng”, trưa và chiều tối, lúc nào cũng có thể bắt gặp người dân uống rượu, bia. Nhiều người sau khi rượu vào lời ra thì tay lái còn loạng choạng và hậu quả sẽ không thể lường trước. Trung tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội tham mưu phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội cho biết: “Sau hơn 10 ngày ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý được hơn 800 trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đối tượng vi phạm phần chủ yếu là nam giới, điều khiển mô tô, xe máy. Các đối tượng vi phạm này tất cả đều bị tước giấy phép lái xe.” Cũng theo Trung tá Ánh, trong đợt cao điển xử lý người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ bia rượu, sẽ xử lý nghiêm tất cả các trường hợp, kể cả các trường hợp điều khiển xe biển xanh, biển đỏ. Trung tá Đinh Thanh Thảo, Đội trưởng đội Khám nghiệm và tuyên truyền An toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho hay: “Thực hiện biện pháp đo bằng máy đo hơi thở không khó khăn để phát hiện nồng độ cồn của người tham gia giao thông, nên sẽ không có chuyện xử phạt lấy lệ.” “Trước khi ra quân, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố đã mở lớp tập huấn cho tất cả các chiến sỹ cảnh sát giao thông để sử dụng máy đo này. Người bị đo chỉ cần ngậm vào đầu ống và thở đều từ 3-5 giây là máy đã đo được nồng độ cồn,” Trung tá Thảo chia sẻ. Mặc dù quy định xử phạt người điều khiển phương tiện uống rượu bia đã có từ lâu nhưng để thực hiện, còn quá nhiều cái khó đối với Cảnh sát giao thông. Bởi, những “ma men” này luôn có muôn vàn cách chống đối. Theo Trung tá Vũ Văn Ngoại, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 4, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn do người vi phạm cố tình không hợp tác. Trung tá Ngoại đưa ra dẫn chứng, nhiều người biết việc điều khiển phương tiện lưu thông trên đường sau khi uống rựơu, bia là sai luật, thế nhưng khi bạn bè rủ đi nhậu, không thể từ chối được. Thậm chí có trường hợp viện lý do như sợ mất vệ sinh hoặc bị dị ứng với... máy đo nồng độ cồn. Đối với những hành vi chống đối, không chấp hành, Trung tá Ngoại cho hay: “Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ áp lỗi không chấp hành việc kiểm tra xử lý của cảnh sát. Lỗi phạt này còn nặng hơn lỗi vi phạm nồng độ cồn.” “Việc tăng cường xử lý sẽ giúp cảnh báo người sử dụng rượu bia không lái xe dù biết việc này sẽ cần nhiều thời gian hơn,” Trung tá Ngoại đưa ra giải pháp phòng chống rượu bia. Đối với những quán, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội phối hợp với các phường yêu cầu chủ quán treo băng rôn “không uống rượu bia khi điều khiển ô tô, xe máy” và bố trí lực lượng gần các điểm đông quán nhậu để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Trung tá Ánh cũng cho rằng, do lực lượng có hạn và các quán nhậu mọc lên khắp nơi nên việc xử lý vi phạm người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ bia, rượu gặp nhiều khó khăn./.
Theo quy định, đối với người điều khiển mô tô vi phạm có nồng độ cồn vượt quá từ 0,25-0,4miligam/lít khí thở thì mức xử lý hành chính trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng; nồng độ cồn vượt quá 0,4miligam thì sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng và tạm giữ xe 10 ngày.

Đối với người điều khiển ôtô có nồng độ cồn thấp hơn 0,25miligam/lít khí thở sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức trung bình là 5 triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày.
Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục